Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu ở Tây Nguyên: cần mô hình liên kết tốt và thương mại điện tử

Ngày 26/4, Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì, được Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp thực hiện.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện lãnh đạo các Vụ như: Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Hiệp hội rau quả Việt Nam, Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam...

toan-canh-hoi-nghi-xuc-tien-thuong-mai-va-phat-trien-xuat-nhap-khau-vung-tay-nguyen-1714131572.jpg
Toàn cảnh Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên

Về phía tỉnh Đắk Lắk, có sự tham dự của Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, đại diện lãnh đạo UBND TP. Buôn Ma Thuột - Ông Trần Đức Nhật, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành của các tỉnh Tây Nguyên như: Sở Công Thương, Sở Kế hoạch Đầu tư, Tài chính. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các cơ quan, ban ngành, Hiệp hội như: Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại Đắk Nông, Liên minh HTX Gia Lai, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, Chi cục phát triển nông thôn Sở NN & PTNT Gia Lai.

Hội nghị lần này còn có sự góp mặt hơn 200 doanh nghiệp đến từ các tỉnh Tây Nguyên như: Công ty TNHH MTV XNK 2-9, Tiktok Việt Nam, Alibaba.com Việt Nam… Hội nghị XTTM và phát triển xuất nhập khẩu Vùng Tây Nguyên do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột được tổ chức vừa bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chương trình Hội nghị đã tập trung trao đổi các vấn đề quan trọng như: Hợp tác, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu của vùng Tây Nguyên; Liên kết vùng Tây Nguyên trong các hoạt động XTTM và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp; Kết quả một số hoạt động XTTM trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử...

ong-vu-ba-phu-cuc-truong-cuc-xuc-tien-thuong-mai-cung-ong-nguyen-tuan-ha-pho-chu-tich-thuong-truc-ubnd-tinh-dong-chu-tri-hoi-nghi-1714131548.jpg
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cùng ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trị hội nghị

Phát biểu khai mạc, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất nhiều nông sản chủ lực quy mô lớn chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp và cây ăn quả. Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của vùng vẫn còn rất khiêm tốn. Tây Nguyên còn tồn tại nhiều "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách, khoa học công nghệ. Liên kết nội vùng còn lỏng lẻo, thiếu đầu tư đồng bộ, dẫn tới thiếu các chuỗi cung ứng. “Những hạn chế này trở thành rào cản cho các hoạt động XTTM thị trường trong nước và phát triển xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ của vùng ra thế giới”.

Từ đó, đại diện Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ trao đổi về và tìm hướng tháo gỡ các vấn đề đã được nêu ra. Qua đó, giúp các địa phương trong vùng đang gặp vướng mắc có thể triển khai các hoạt động liên kết phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và XTTM một cách thuận lợi.

Trên cơ sở triển khai của lãnh đạo Bộ Công Thương, Hội nghị được nghe các ý kiến tham luận từ các đại biểu tham dự chương trình. Đó là lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, đại diện các địa phương Tây Nguyên, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các hiệp hội, doanh nghiệp. Các ý kiến đưa ra đều rất cụ thể, thẳng thắn, đi sâu vào những tiềm năng, thế mạnh cũng như những bất cập và hạn chế đối với sự phát triển kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu của vùng.

dai-dien-cong-ty-tnhh-mmtv-xuat-nhap-khau-29-neu-y-kien-ve-mot-so-van-de-kho-khan-vuong-mac-trong-hoat-dong-xuat-nhap-khau-1714131447.jpg
Đại điện Công ty TNHH MMTV Xuất nhập khẩu 29 nêu ý kiến về một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu

Hội nghị lần này đã đưa ra một số giải pháp cần thiết dành cho các địa phương và các doanh nghiệp trong vùng. Cụ thể, các tỉnh cần tính toán, liên kết với nhau để phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm của vùng. Từ đó xác định các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp để khai thác các giá trị sản phẩm tốt nhất. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công Thương và các Bộ ngành có liên quan trong việc xúc tiến xuất khẩu đến từng khu vực thị trường mục tiêu cho từng giai đoạn. Đặc biệt, cần phải xây dựng thật tốt mô hình liên kết để mỗi mắt xích trong các chuỗi đều được hưởng lợi và từng bước cân bằng phát triển kinh tế nội vùng

Về phía các doanh nghiệp, Bộ Công thương nhấn mạnh cần phải liên tục và kịp thời cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài để nắm bắt được thị hiếu, điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tìm hiểu các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia để xác định các thị trường xuất khẩu tiềm năng của mình. “Doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa thị trường, đầu tư bồi dưỡng kiến thức, năng lực của nhân sự tham gia thương mại quốc tế, cập nhật các xu hướng công nghệ, thương mại điện tử (TMĐT) để có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, cắt giảm chi phí trung gian, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm”.

dai-dien-cac-bo-so-ban-nganh-trinh-bay-tham-luan-tai-hoi-nghi-1714131501.jpg
Đại diện các Bộ - Sở - Ban - Ngành trình bày tham luận tại Hội nghị

Cục Xúc tiến Thương mại nhấn mạnh sự phát triển của đa dạng các nền tảng TMĐT trong nước và quốc tế cũng đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên quảng bá hàng hóa đi tới nhiều thị trường xa hơn. nhiều Trong thời gian tới, Cục sẽ tích cực đồng hành Vùng trong các hoạt động như: Cung cấp thông tin về chính sách, quy định, xu hướng, nhu cầu và cơ hội thị trường, ngành hàng xuất khẩu. Đặc biệt, Cục sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức sâu rộng hơn về thương hiệu thông qua chương trình Thương hiệu quốc gia.

Quan trọng hơn hết, đối với Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, thương mại, Bộ Công Thương luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các địa phương Vùng Tây Nguyên hỗ trợ các doanh nghiệp trong vùng phát triển thị trường xuất nhập khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của vùng ở thị trường trong và ngoài nước, tận dụng các cơ hội quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực của vùng, góp phần thúc đẩy thương mại của vùng phát triển hiệu quả, năng động hơn nữa.

doanh-nghiep-tinh-dak-lak-gioi-thieu-cac-san-pham-chu-luc-cua-minh-den-cac-dai-bieu-tham-du-hoi-nghi-1714131384.jpg
Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk giới thiệu các sản phẩm chủ lực của mình đến các đại biểu tham dự Hội nghị

Song song đó, bên lề hội nghị cũng đã diễn ra các hoạt động trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Đây là hoạt động của các nhà cung cấp hàng hóa - dịch vụ trong và ngoài vùng Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với một số Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài tổ chức kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp sản xuất - thương mại rau, củ, quả, cà phê, thực phẩm chế biến… với gần 30 nhà nhập khẩu từ các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Hoa Kỳ, …

Kiến Giang