Tây Nguyên bứt tốc phát triển xanh bền vững từ tầm nhìn quy hoạch toàn diện

Bước vào năm 2024, 5 tỉnh Tây Nguyên đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch toàn diện đến 2030 tầm nhìn 2050. Quy hoạch chung cho toàn vùng cũng đang được thẩm định với mục tiêu đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hoá dân tộc.

Vượt qua năm 2023 đầy khó khăn thách thức, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội. Đó là thắng lợi về sản xuất nông nghiệp với những cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng đều cho thu nhập cao; là sự phục hồi của ngành du lịch với những thành công từ một loạt lễ hội văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên. Bước vào năm 2024, các tỉnh trong khu vực đều đã có quy hoạch toàn diện thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 (Quy hoạch Tây Nguyên) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ sở để vươn lên mạnh mẽ.

quy-hoach-tay-nguyen-01-1707116850.jpg
Sản xuất nông nghiệp thắng lợi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên trong năm vừa qua. (Ảnh minh họa)

Tây Nguyên chuyển mình nâng tầm vóc từ nông nghiệp

Trong căn nhà lấp lánh ánh đèn, cây mai vàng rực rỡ, ông Triệu Văn Hạnh, ở xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, phấn khởi: Tết này gia đình ăn to nhờ thắng lớn từ 2ha sầu riêng trồng xen với cà phê. Cả sầu riêng và cà phê vụ vừa qua đều được mùa, được giá, cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Tiếp đà thắng lợi, gia đình đã tái đầu tư chăm sóc vườn cây cho niên vụ mới.

"Năm 2023 thắng lợi mức sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt so với các năm trước. Năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư có chiều sâu để nâng cao mùa vụ. Với giá cả nông sản như hiện nay chắc chắn đời sống sẽ phát triển hơn nữa"- ông Triệu Văn Hạnh nói.

Sản xuất nông nghiệp thắng lợi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên trong năm vừa qua. Từ các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, đến những cây ngắn ngày như mía, lúa gạo đều được mùa được giá.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông tin, năm 2023 ngành nông nghiệp được đánh giá có nhiều khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất của ngành tăng 13% so với năm 2022. Lĩnh vực trồng trọt là điển hình nhất, đã thực hiện các đề án tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, một số cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, lúa gạo và đặc biệt là sầu riêng đã cho giá trị gia tăng rất cao.”

Tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi ngành hàng đang là hướng đi đúng giúp nông nghiệp Tây Nguyên phát triển bền vững.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Nông cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hình thành các vùng nguyên liệu theo chuỗi ngành hàng và mỗi vùng nguyên liệu sẽ hình thành các hợp tác xã làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp. Và họ chính là bà đỡ cho nông dân trong các khâu tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ, kể cả vấn đề tài chính tín dụng…

Thứ hai, không những sản xuất sản phẩm nông nghiệp đơn thuần phục vụ nhu cầu lương thực thực phẩm, mà nông nghiệp Đắk Nông còn phát triển theo hướng đa giá trị, đó là nông nghiệp du lịch, nông nghiệp trải nghiệm… Đây là một trong những lợi thế mà ngành nông nghiệp cần phải khai thác nhằm giúp cho bà con nông dân có thu nhập cao hơn.

quy-hoach-tay-nguyen-02-1707116834.jpg
Tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi ngành hàng đang là hướng đi đúng giúp nông nghiệp Tây Nguyên phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Nông nghiệp phát triển gắn với du lịch là một trong những thế mạnh của Tây Nguyên, mà điển hình là tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Năm vừa qua, nông nghiệp trải nghiệm đã góp phần giúp Lâm Đồng đón hơn 8,6 triệu lượt du khách, tăng 15% so với năm trước. Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, cùng với phát huy những loại hình du lịch sẵn có, mà trung tâm là Đà Lạt - Thành phố Festival Hoa duy nhất của Việt Nam, Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO, tỉnh đang tiếp tục có cơ chế để thúc đẩy du lịch canh nông phát triển:

Ông Phạm S cho hay, trong gian đoạn tới, tỉnh có định hướng ưu tiên, khuyến khích các mô hình có quy mô diện tích lớn hơn, sản phẩm không trùng lắp, mang tính sáng tạo, phù hợp xu hướng của thị trường, đặc biệt là thích ứng biến đổi khí hậu. Lâm Đồng có lợi thế thì sẽ khuyến khích phát huy để tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù và phát triển bền vững.

Tây Nguyên giàu bản sắc tạo dấu ấn từ du lịch

Năm vừa qua ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên cũng đã dần phục hồi. Từ lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đến Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tổ chức tại tỉnh Kon Tum, Tuần văn hóa - du lịch Gia Lai với Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể UNESCO Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng… đã thu hút đông đảo du khách đến với vùng đất cao nguyên huyền thoại. Bản sắc văn hóa độc đáo, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm là những lợi thế để du lịch các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục phát triển.

Ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh đã xác định những định hướng phát triển du lịch cụ thể. Thứ nhất là phát triển các cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng hạ tầng lưu trú du lịch.

"Chúng tôi cũng tập trung xây dựng các dự án phát triển du lịch mới và hoàn thiện đưa vào khai thác các dự án đã được phê duyệt đầu tư. Đẩy mạnh hợp tác du lịch, mở rộng giao lưu, liên kết, nhất là với các tỉnh Miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh; sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch theo hướng tích hợp, xây dựng các quần thể thương mại du lịch, tạo bước đột phá cho du lịch”- ông Phạm S thông tin.

quy-hoach-tay-nguyen-03-1707116921.jpg
Bản sắc văn hóa độc đáo, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm là những lợi thế để du lịch các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục phát triển. (Ảnh minh họa)

Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên dịp đầu năm 2024, công bố quy hoạch của các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, dựa trên quy hoạch đã có, các tỉnh phải xác định được những công việc cần làm ngay và đảm bảo bài bản, đồng bộ, khoa học.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Kon Tum: “Chúng ta phải bắt đầu có một số tư duy để chúng ta làm cho ngày càng nâng cao giá trị của mình hơn: giá trị tự nhiên, giá trị vốn có, giá trị bản sắc và những giá trị mà tự nhiên đã ban thưởng cho chúng ta. Tôi mong muốn rằng khi nói đến địa danh này, huyện này, xã này thì chúng ta đã nhìn thấy những con đường trong tương lai, chúng ta đã nhìn thấy những ngôi nhà lấp ló bên những hàng cây. Bản thiết kế quy hoạch đó thổi lên những giá trị kể cả về tâm hồn, nghệ thuật và những giá trị tự nhiên”.

Nông nghiệp thắng lợi, du lịch khởi sắc, quy hoạch bài bản, bước vào năm mới Giáp Thìn, với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Tây Nguyên đang vững niềm tin phát triển đón mùa xuân mới.

Quy hoạch vùng kỳ vọng tạo bứt phá cho Tây Nguyên

Trước đó, tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, yêu cầu đặt ra đối với một quy hoạch vùng là giải quyết bài toán về quản lý, điều phối, kết nối vùng; xử lý xung đột phát triển giữa các địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp, những sản phẩm có tính chiến lược, đặc trưng của vùng, quốc gia; kết nối nội vùng và liên vùng.

“Quy hoạch phải chỉ rõ giải pháp mang tính đột phá, kết hợp tiềm năng, lợi thế với xu thế thời đại để Tây Nguyên “thức giấc” với giá trị mới, theo kịp được những vùng khác; đồng thời gìn giữ, bảo tồn những tài sản vô giá, trường tồn. Đây phải là quy hoạch mà người dân Tây Nguyên thấy được những vấn đề mới nhưng thiết thực, gần gũi”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Trao đổi về một số ngành kinh tế mũi nhọn của Tây Nguyên, Phó Thủ tướng gợi mở nông nghiệp cần thay đổi theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, sử dụng ít nước, gia tăng giá trị thông qua chế biến, hình thành những sản phẩm quốc gia; khuyến khích năng lượng tái tạo kết hợp thuỷ điện tích năng; phát triển kinh tế lâm nghiệp, thị trường tín chỉ các bon... Đồng thời, Tây Nguyên cần cơ chế, chính sách riêng để tạo chuyển biến căn bản trong quản lý đất đai, nguồn nước, giáo dục, y tế, thúc đẩy hạ tầng số phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…

quy-hoach-tay-nguyen-04-1707116957.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Mục tiêu của Quy hoạch Vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dân tộc, trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Phát triển vùng Tây Nguyên theo mô hình: “3 cực - 3 tiểu vùng - 5 hành lang”, trong đó bám sát theo những đặc điểm và lợi thế của Tây Nguyên, từ đó xây dựng, kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển cho vùng. Do Tây Nguyên cách xa các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển lớn, chủ yếu kết nối bằng tuyến đường bộ, chưa có mạng lưới đương cao tốc và đường sắt. Nếu không dựa vào liên kết vùng thì dễ dẫn đến biệt lập. Đồng thời, phải giải quyết hài hoà quan hệ giữa đất - nước - rừng ở Tây Nguyên. Bảo đảm hài hoà sinh thái kinh tế và con người.

Góp ý cho Quy hoạch vùng Tây Nguyên, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần nhìn nhận tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên gắn với nhu cầu thời đại, vai trò quốc gia hiện nay, để đưa ra những lựa chọn phát triển chiến lược, tháo gỡ các điểm nghẽn về kết nối hạ tầng, cơ cấu kinh tế, suy thoái môi trường, suy giảm bản sắc văn hoá.

PGS.TS Trần Đình Thiên đề xuất, cơ cấu kinh tế của Tây Nguyên cần tiếp cận theo chuỗi giá trị; lấy chiến lược phát triển du lịch làm trục xuyên suốt trong bảo tồn, phát huy giá trị môi trường, hệ sinh thái, bảo tồn giá trị văn hoá các dân tộc./.

Bước vào năm 2024, 5 tỉnh Tây Nguyên đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch chung cho toàn vùng cũng đang được thẩm định với mục tiêu đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Có quy hoạch bài bản là cơ sở để các tỉnh tập trung đầu tư, vươn lên mạnh mẽ./.

Trọng Bình