'Chợ tình Tây Nguyên' - Nét đẹp trong ngày đầu xuân trên vùng đất Ea Tam

Hàng năm, cứ đến 14 và 15 âm lịch của tháng Giêng là vùng đất Ea Tam thuộc huyện Krông Năng (Đắk Lắk) trở nên sôi nổi với Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc còn được gọi là "Chợ tình Tây Nguyên".
4286a988-7bf6-4a39-b33b-5412b34e0694-1708752918.jfif
Khai mạc Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc 2024 ở Ea Tam.

Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc ở Ea Tam còn được biết đến với tên gọi khác là “Chợ tình Tây Nguyên”. Gọi là “Chợ tình” nhưng đây là một sự kiện lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động dân gian, ẩm thực, vui chơi giải trí,… đậm đà bản sắc văn hóa của người dân nơi đây. Những người lần đầu tiên tham dự “Chợ tình” sẽ rất ngỡ ngàng và ngạc nhiên vì những điều đặc biệt này.

Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc tại xã Ea Tam được xem là sự kiện quan trọng hàng năm, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Bên cạnh đó, lễ hội cũng là nơi lưu giữ và phát huy văn hóa của dân tộc mình trên mảnh đất Tây Nguyên. Dù là đồng bào M’Nông, Dao hay Nùng, khi sống cùng mái nhà Ea Tam thì tất cả đều là một cội nguồn văn hóa. Đó là ý nghĩa thiêng liêng và cao quý nhất của lễ hội.

Một tiết mục, hay còn gọi là nghi thức bắt buộc phải có ở lễ hội hàng năm đó là tổ chức lễ cúng. Người dân tổ chức lễ cúng đặc biệt long trọng, trang nghiêm với ước mơ được trời đất và thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, nhà nhà đầy đủ, bình an, no ấm. Và họ cũng sẵn lòng hoan nghênh những người bạn mới, những người khách du lịch thập phương đến dự khán ngày lễ của mình.

08688980-1168-4a22-a134-1036993af415-1708752959.jfif
Nhiều hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức tại Lễ hội Tây Bắc ở Ea Tam.

Thông thường, trong buổi sáng ngày khai hội - tức 14/01 AL, lễ hội sẽ diễn ra nhiều trò chơi và các tiết mục đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Có thể kể đến một số hoạt động như cất rượu men lá, quay heo với lá mắc mật, làm bánh chưng, bánh dày, bánh khảo.Tối đến, người dân và khách tham quan sẽ cùng uống rượu và thưởng thức những điệu múa xòe của người Thái, lời ca của người Tày, Nùng, … dưới ánh trăng sáng tỏ.

Tối ngày 15/01 AL mới là phần chính của lễ hội với những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang âm hưởng mùa xuân Việt Bắc. Cùng với đó là những cuộc thi, những tiết mục trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của người đồng bào các dân tộc phía Bắc sống lâu năm ở Tây Nguyên. Đây cũng là lúc các đôi nam nữ hẹn hò gặp gỡ và tâm tình. Nhiều đôi trong số đó đã nên duyên vợ chồng từ lễ hội nên lễ hội có tên gọi là “Chợ tình” vì điều đó.

5ccd0ea8-b150-46ff-b661-df5b0f99f90d-1708753704.jfif

Một thiếu nữ trong trang phục truyền thống đến tham dự lễ hội.

Đặc sản của Lễ hội là hai món món thịt heo quay cùng thịt trâu sạch, thơm ngon và lạ miệng. Ngoài ra còn có các món món xôi ngũ sắc, xôi sắn hay các loại bánh lá như bánh dày, bánh giò, bánh láo khoải, bánh chưng đen… và các gian hàng bán đủ các mặt hàng hóa từ đồ mỹ nghệ, quần áo, mỹ phẩm đến ẩm thực… làm nức lòng người dân và khách tham quan.

Thời điểm đẹp nhất của lễ hội là vào ban đêm. Nhiệt độ trở nên mát mẻ dễ chịu so với ban ngày. Người đến dự cũng đông hơn. Dưới ánh trăng rằm tháng giêng dịu nhẹ, “Bản hòa ca” của ánh sáng và âm thanh cùng nhau xướng lên bên những đống lửa, các loại đèn cùng vô số nhạc cụ. Du khách vào đây sẽ có cảm tưởng mình đang lạc bước vào một miền văn hóa đậm đà bản sắc phong vị Tây Bắc xa xưa.

36ff83bd-7c6b-439c-83a6-11c1a3dfcb7a-1708753007.jfif

Hoạt động trưng bày, mua bán tại Lễ hội Tây Bắc ở Ea Tam.

Tính đến nay, lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc ở Ea Tam đã được tổ chức 13 lần. Đó là hoạt động không thể thiếu nhằm duy trì và phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Tày, Nùng ở Krông năng. Đồng thời, nó cũng giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân vùng đất này.

Lễ hội đang diễn ra và sẽ kết thúc vào ngày 24/02/2024, nhằm ngày 15 tháng giêng năm Giáp Thìn.

a1b741b6-0b72-43e6-8d90-cfebb0a8506f-1708753036.jfif

Lễ hội là nơi duy trì và tiếp nối các giá trị văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Tây Nguyên.

Xã Ea Tam, huyện Krông Năng hiện nay có 15 dân tộc cùng chung sống như: Tày, Nùng, Thái, Dao, Hmông…. với hơn 2,5 ngàn dân. Trong đó, trên 84% là các đồng bào Tày, Nùng di cư từ miền núi phía bắc vào định cư sinh sống. Đây là một lợi thế để địa phương duy trì và phát huy tốt các phong tục tập quán, các nghi lễ của đồng bào Tây Bắc trên vùng đất Tây Nguyên./.

Hồng Giang