Khám phá nhiều hiện vật thời đồ đá dưới lòng đất Tây Nguyên

Thế giới lòng đất Tây Nguyên luôn chứa đựng nhiều bí ẩn đối với giới nghiên cứu - khảo cổ học. Những di chỉ, hiện vật về người cổ xưa được phát hiện ở nơi này đã cung cấp thêm nhiều kiến thức có giá trị.

Di chỉ khảo cổ Rộc Tưng nằm trên địa bàn xã Xuân An, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai). Tại đây, các nhà khảo cổ phát hiện trong các gò đồi hơn 12 địa điểm có dấu vết của người nguyên thủy. Chúng được đặt tên theo thứ tự lần lượt từ Rộc Tưng 1 đến Rộc Tưng 12. Giai đoạn 2015 đến 2018, các nhà khảo cổ Việt Nam và nước ngoài đã cùng tiến hành đào thám sát, khai quật tại các địa điểm Rộc Tưng 1, 4, 6, 7, 8 và và Gò Đá (phường An Bình).

di-chi-khao-co-roc-tung-1-duoc-bao-ton-trung-bay-sau-khai-quat-1712594437.jpg
Di chỉ khảo cổ Rộc Tưng 1 được bảo tồn, trưng bày sau khai quật.

Kết quả từ quá trình khai quật này, nhóm đã thu thập trên 1.000 hiện vật đá, bao gồm các công cụ như ghè, rìu tay, mũi nhọn, phác vật công cụ cầm tay, nạo, hòn ghè, chày, mảnh tước và hạch thạch… Đặc biệt trong số đó trên 600 mảnh thiên thạch nằm trong các tầng văn hóa.

Qua quá trình phân tích những mẫu thiên thạch thu thập được, vật tại Gò Đá được xác định niên đại cách ngày nay từ 806.000 ± 22.000 năm. Tại Rộc Tưng 1 có niên đại cách ngày nay từ 782.000 ± 20.000 năm. Niên đại này thuộc văn hóa sơ kỳ Đá cũ - là một cứ liệu quan trọng về sự xuất hiện con người cổ ở Tây Nguyên.

Với phát hiện di tích Gò Đá, Rộc Tưng ở An Khê, chúng ta có thêm cơ sở kéo dài hơn lịch sử Việt Nam về trước đó. Đồng thời, vùng thượng lưu sông Ba thuộc tỉnh Gia Lai cũng được ghi dấu vào bản đồ thế giới như là một trong những nơi lưu giữ dấu tích văn hóa của tổ tiên loài người - Người đứng thẳng (Homo erectus).

cac-hien-vat-bang-da-tim-thay-tai-di-chi-lung-leng-duoc-trung-bay-o-bao-tang-lich-su-viet-nam-1712594983.jpg
Các hiện vật bằng đá tại di chỉ Lung Leng được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Tại Kon Tum, các nhà khảo cổ đã khai quật và phát hiện khá nhiều hiện vật của con người thời tiền sử trên một vùng đất khá rộng nằm gần sông Pô Cô. Nơi này được gọi tên là Lung Leng - một tên thôn của xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, cách thị xã Kon Tum khoảng 15km về phía Tây.

Cuối năm 1999, di chỉ khảo cổ học Lung Leng được phát hiện đã làm chấn động giới khoa học trong nước. Toàn di chỉ có diện tích khoảng 15.000m2, nằm ở cao trình 503-509 m trong vùng ngập vĩnh viễn của lòng hồ thủy điện Yaly. Lung Leng đã cung cấp một hệ thống di tích và hiện vật vô cùng phong phú, cho thấy người tiền sử đã có mặt, sinh sống ở đây từ trước 10.000 năm và tái hiện nên một xã hội Tây Nguyên thời tiền sử.

Tại di chỉ khảo cổ học Lung Leng, trên diện tích hơn 11.500 m2 có 14.813 hiện vật được thu thập qua hai đợt khai quật vào năm 1999 và năm 2001. Chiếm số lượng lớn và đa dạng về loại hình là các hiện vật bằng đá như các mũi nhọn, rìa lưỡi, rìu, lao cuốc, bàn mài, hòn mài, lưỡi cưa, mũi khoan, đục đá, bàn nghiền, khuôn đúc đồng, vòng đeo tay… Ngoài ra, còn có 224 hiện vật gốm (nồi, bình, vò, ấm, dọi xe sợi, ghè tròn… cùng hàng triệu mảnh gốm rời), 37 hiện vật kim loại, hơn 40 mộ táng và lò luyện kim.

Theo nhận định của các nhà khảo cổ, Lung Leng là di chỉ duy nhất ở Tây Nguyên tìm thấy công cụ thời đại Đá cũ và dấu tích luyện kim đồng thau. Với nhiều công cụ đồng thau tìm được, nó gợi nhắc lại mối quan hệ văn hóa Đông Sơn (Thanh Hóa), văn hóa Dốc Chùa (Sông Bé), văn hóa đồng thau Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan…

cac-mau-vat-thu-thap-duoc-tai-hang-dong-nui-lua-krong-no-1712595068.jpg
Các mẫu vật thu thập được tại hang động núi lửa Krông Nô

Ngoài ra, hệ  thống hang động núi lửa ở Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) cũng được đánh giá là một quần thể di sản hỗn hợp cả về thiên nhiên và văn hóa độc đáo. Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô gồm cả di sản địa chất và đa dạng sinh học cùng di chỉ khảo cổ tiền sử được phát hiện, đào thám sát và khai quật trong giai đoạn từ 2016 - 2018.

Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện một lượng lớn các di vật, di cốt liên quan đến người tiền sử. Chiếm số lượng lớn là các hiện vật bằng đá, hiện vật kim khí. Ngoài ra còn có di cốt động vật gồm các tiêu bản của những loại thú, ỏ các loài ốc núi, vỏ trai hến… Đặc biệt là 3 di cốt người phát hiện từ các ngôi mộ cùng một số tiêu bản xương, răng của khoảng 10 cá thể trẻ sơ sinh, thiếu nhi, người trưởng thành. Trước đó, hàng trăm điểm khai quật khảo cổ khác ở Tây Nguyên chưa phát hiện được những di vật này như ở hang động núi lửa Krông Nô.

Với những khám phá khảo cổ nêu trên, lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam đã phát hiện ra các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa. Nó bổ sung thêm một loại hình cư trú, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên cách đây 4.500 - 7.000 năm./.

Kiến Giang