Hạn hán ở Tây Nguyên:

Hạn hán khốc liệt, nông dân Tây Nguyên gồng mình chống chọi với khô hạn

Thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp, mùa mưa dự kiến đến muộn hơn các năm trước ở các tỉnh thành Tây Nguyên đã làm cho mực nước ở các ao, hồ, sông, suối... đang dần cạn kiệt, trơ đáy. Khô hạn diễn ra khốc liệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở Tây Nguyên.
han-han-o-tay-nguyen-long-ho-dak-ken-tro-day-1713715097.jpg
Hạn hán khốc liệt ở Tây Nguyên- Lòng hồ Đăk Ken tỉnh Đắk Nông trơ đáy. (Ảnh: vnexpress)

Tây Nguyên nhiều ao, hồ, sông suối khô cạn trơ đáy

Tháng 4, Tây Nguyên đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô, dự báo hạn hán năm nay khốc liệt hơn mọi năm. Mực nước và lưu lượng nước trên các sông suối giảm dần và duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Thậm chí mực nước trên một số sông đã xuống dưới và tương đương mức lịch sử như: sông Ayun tại Pơ Mơ Rê (19h/15/4), dưới mức thấp nhất lịch sử 0,27m; sông Đăkbla tại KonPlong: tương đương mức thấp nhất lịch sử năm 2020. Tổng lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 27-68%.

han-han-o-tay-nguyen-ho-dan-kia-suoi-vang-lac-duong-lam-dong-kho-can-tro-day-1713748229.jpg
Hạn hán ở Tây Nguyên: Hồ DanKia - Suối vàng (Lâm Đồng) cạn trơ đáy. (Ảnh VOV)

han-han-o-tay-nguyen-ho-thuy-loi-ea-blang-thi-xa-buon-ho-dak-lak-tro-day-1713749197.jpg
Hạn hán ở Tây Nguyên: hồ thủy lợi Ea Blang thị xã Buôn Hồ Đắk Lắk cạn nước. (Ảnh: Tuổi trẻ online)
han-han-o-tay-nguyen-suoi-dak-sor-huyen-krong-no-dak-nong-can-kho-1713749907.jpg
Hạn hán ở Tây Nguyên: Suối Đắk Sôr - huyện Krong Nô-Đắk Nông cạn nước. (Ảnh: Tuổi trẻ online)

Hàng chục công trình thủy lợi ở Đắk Nông cạn nước

Hơn 1 tháng nay, tình hình khô hạn đang diễn ra khốc liệt ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh có 307 công trình thủy lợi. Trong đó, có 255 hồ chứa, 32 đập dâng, 8 hệ thống kênh tiêu, 10 hệ thống trạm bơm và 2 công trình thủy lợi khác.

Tổng dung tích thiết kế của các công trình thủy lợi vào khoảng 172 triệu m3 nước, đến thời điểm này, tổng dung tích nước tại các hồ, đập còn lại khoảng 80,67 triệu/m3 nước, ước đạt khoảng 50,96% dung tích thiết kế (so với cùng kỳ năm 2023 giảm 18,61 %). Điều đáng lo ngại là đã có 27 công trình thủy lợi đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, đối với diện tích nằm trong phạm vi phục vụ công trình thủy lợi, đến nay, nguồn nước cơ bản phục vụ sản xuất mùa khô năm 2024. Đáng lo ngại nhất là diện tích cây trồng nằm ngoài phạm vi phục vụ công trình thủy lợi. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, không có mưa thì sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới cục bộ tại một số địa phương. Đặc biệt, là ở các huyện thuộc khu vực phía Bắc của tỉnh như: Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil.

Dự báo tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra và ảnh hưởng cho khoảng 8.180 hécta cây trồng các loại. Cụ thể, ở huyện Đắk Mil Khoảng 1.670 hécta; huyện Krông Nô khoảng 4.510 hécta; huyện Cư Jút khoảng 2.000 hécta...

han-han-o-tay-nguyen-mot-ho-dap-o-dak-nong-can-kho-1713751000.jpg
Một hồ đập ở Đắk Nông cạn khô. (Ảnh Báo Lao Động)

"Thủ phủ" cà phê ở Kon Tum cháy lá vì thiếu nước

Ở huyện Đăk Hà, "thủ phủ" cà phê của tỉnh Kon Tum với hơn 12.000 ha, tuyến kênh dẫn nước vào xã Hà Mòn cạn trơ đáy, bên cạnh là những rẫy cà phê vàng úa, cháy lá. Đặc biệt hồ chứa C3 dung tích 370.000 m3, phục vụ tưới tiêu cho hơn 200 ha cây trồng trên địa bàn thôn Bình Minh chỉ còn đọng lại vũng nhỏ, phía đầu nguồn đất đai nứt nẻ, khô khốc.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, địa phương có 80 hồ chứa thủy lợi. Do vào cao điểm mùa khô, nắng nóng diễn ra trên diện rộng, mực nước ở các hồ chứa, các công trình thủy lợi đang xuống thấp, đạt khoảng 60% công suất thiết kế.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum cảnh báo, trong tháng 4, 5, thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H'Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Đăk Glei có nguy cơ cao thiếu nước trên diện rộng. Sông Đăk Bla đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy và TP Kon Tum lưu lượng nước thấp hơn từ 40-65%, mực nước thấp hơn các năm 0,2-1,2 m.

Tình trạng ít mưa, khô hạn, thiếu nước trong các tháng mùa khô năm 2024 sẽ tác động lớn đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước trên 1.700 ha.

han-han-o-tay-nguyen-long-ho-thuy-loi-c3-can-nuoc-1713751851.jpg
Hạn hán ở Tây Nguyên: Lòng hồ thủy lợi C3 (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), nguồn cung cấp nước chính cho gần 180 ha cà phê tại khu vực xã Hà Mòn, hiện đang khô cạn. (Ảnh VTC News)

Cà phê và hoa màu ở Gia Lai giảm năng suất vì thiếu nước

Tương tự, tình trạng hạn hán đang diễn ra gay gắt ở một số xã thuộc khu vực biên giới của huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Tại đây, người dân chật vật tìm kiếm nguồn nước và đối phó với hạn hán. Qua thống kê, tổng diện tích bị thiếu nước gây thiệt hại cây trồng cho hơn 58,4 hécta tại xã Ia Lang, Ia Dom, Ia Krêl.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Đức Cơ cũng có nhiều công trình giếng khoan tại thôn Đức Hưng, xã Ia Nan đã bị cạn nước. Chỉ riêng tại xã Ia Nan, có gần 2.000 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.

Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện, cho biết năm nay nhiều khu vực trên địa bàn bị thiệt hại nặng là do hạn hán cục bộ, xa hệ thống thủy lợi. Để ứng phó với hạn hán, huyện đã có khuyến cáo người dân tận dụng nguồn nước, đồng thời chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Trước tình hình nắng nóng, hạn hán kéo dài, ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê bày tỏ lo lắng: “Toàn huyện có hơn 15.000 cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Do vậy, nhu cầu nước tưới rất lớn, nếu thời gian tới nắng nóng, hạn hán vẫn duy trì thì nguy cơ cây trồng bị ảnh hưởng là rất lớn”.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai cho biết, tại các huyện Phú Thiện, huyện Krông Pa, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, hàng trăm hécta hoa màu như lúa, khoai, ngô… của nông dân bị hạn hán, thiếu nước cục bộ nên bị hư hỏng, chết khô. Nặng nhất là huyện Phú Thiện, khi có hơn 88 hécta lúa, khoai lang và bắp bị khô hạn.

Đắk Lắk xảy ra khô hạn kéo dài tại nhiều nơi

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh hầu như không mưa. Lượng mưa toàn tỉnh trung bình đến nay đạt 21,3mm, bằng 1,2% so với trung bình các năm trước.

Mực nước trên các sông của tỉnh phổ biến ở mức thấp, lượng dòng chảy thấp hơn trung bình cùng kỳ những năm trước từ 20 - 40%. Riêng sông Krông Ana tại trạm thủy văn Giang Sơn thấp hơn từ 160 - 190% so với các năm trước. Tình trạng khô hạn kéo dài xảy ra tại nhiều nơi. Trong đó, huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Lắk… là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Dự báo diễn biến lượng mưa, nước mặt trong thời gian tới

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo diễn biến tổng lượng mưa, tổng lượng nước mặt trong 10 ngày tiếp theo (từ ngày 21-30/4) Khu vực Tây Nguyên: Dòng chảy trên các sông biến đổi chậm theo điều tiết các các nhà máy thủy điện. Lượng dòng chảy các sông phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20-72%.

Đồng thời, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán khu vực Tây Nguyên: tỉnh Gia Lai cấp 2; các tỉnh khác thuộc khu vực Tây Nguyên cấp 1.

Rủi ro thiên tai cấp độ 1 gồm trường hợp dự báo tình trạng thiếu hụt tổng thể lượng mưa tháng trên 50% so với trung bình nhiều năm, kéo dài từ 2 đến 3 tháng và thiếu hụt nguồn nước mặt trong khu vực từ 20% đến 50% so với trung bình nhiều năm ở khu vực Tây Nguyên./.