Xử lý chất thải chăn nuôi thành tài nguyên trong sản xuất hữu cơ

Trong những năm vừa qua, ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ . Chất thải trong chăn nuôi gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường. Xử lý chất thải trong chăn nuôi được quan tâm hàng đâu, biến chất thải thành phân hữu cơ để tận dụng và xử lý trong các chuồng trại.

Trong năm 2022, nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng chịu tác động của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do COVID-19 và giá nguyên liệu, chi phí logistic tăng. Do đó, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản, trong đó có sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

trang-trai-lon-1684065198.jpg
Ngành chăn nuôi phát triển nhiều trang trại chăn nuôi lớn được xây dựng quy mô ở nhiều tỉnh thành.

Mặc dù vậy, trong năm 2022, ngành chăn nuôi vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của nông nghiệp.

Tại thời điểm tháng 12/2022, tổng đàn lợn đạt khoảng 28,6 triệu con; đàn gia cầm khoảng 531 triệu con; đàn bò khoảng 6,53 triệu con (riêng đàn bò sữa 335 nghìn con). Sản lượng thịt hơi các loại khoảng 7,05 triệu tấn, tăng 4,8%; sản lượng sữa tươi gần 1,28 triệu tấn, tăng 10,2%; sản lượng trứng trên 18,3 tỷ quả (tăng 4,4%),…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2021, nước ta có 13.748 trang trại chăn nuôi với 2.264,7 nghìn con trâu; 6.365,3 nghìn con bò; 23.533,4 nghìn con lợn và 526,3 triệu con gia cầm. Hoạt động chăn nuôi gây phát sinh chất thải lớn gồm 67,93 triệu tấn chất thải rắn (gia súc, gia cầm) từ hoạt động chăn nuôi, trên 245,01 triệu m3 nước thải từ hoạt động chăn nuôi (trâu, bò, lợn) và một lượng lớn chất thải rắn, lỏng từ giết mổ gia súc, gia cầm.

Chăn nuôi phát triển kèm theo đó về những hệ lụy về môi trường, trong những năm qua báo chí đã phản ánh về nhiều tình trạng các trang trại chăn nuôi xả thải ra môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Nhưng chất thải trong chăn nuôi lại là những tài nguyên bị bỏ quyên trong sản xuất hữu cơ.

Lượng chất thải này chứa hàm lượng hữu cơ cao, tồn dư một số độc chất từ thức ăn, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, mầm bệnh, chắc chắn sẽ gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường ngành nông nghiệp, nông thôn…

trang-trai-chan-nuoi-lon-ga-tren-dia-ban-xa-minh-duc-thi-xa-pho-yen-da-xa-thai-ra-moi-truong-gay-o-nhiem-nguon-nuoc-1684065225.jpg
Một số trang trại chăn nuôi lợn, gà trên địa bàn xã Minh Đức, thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên) được người dân phản ánh xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước.

Để xử lý chất thải trong chăn nuôi một cách hiệu quả và kinh tế nhất, cần xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, tái sử dụng chất thải chăn nuôi nhằm tối ưu hóa giá trị kinh tế trong chăn nuôi để tạo ra sản phẩm phục vụ nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường và nhân rộng mô hình, nâng cao nhận thức người dân xây dựng và phát triển nông thôn mới bền vững.

Biến chất thải trong chăn nuôi thành tài nguyên

Cụ thể, đối với các trang trại có quy mô dưới 1.000 con lợn, áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống bể thu phân nhiều ngăn để làm phân hữu cơ và tách phân bằng hệ thống sàng tách phân kết hợp ủ men vi sinh làm phân bón hữu cơ.

Trang trại chăn nuôi này có quy mô 300 - 500 con lợn, nằm gần khu dân cư, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là khá cao. Hiện tại, trang trại đã có bể biogas 12m3. Sau thời gian nuôi, bể đã quá tải để xử lý chất thải chăn nuôi. Nước thải sau biogas thải trực tiếp ra kênh thoát nước chung, sau đó chảy vào kênh thủy lợi chung của xã.

Trên cơ sở hiện trạng trang trại, nhóm nghiên cứu cải tạo khu vực chăn nuôi, thiết kế hệ thống thu gom phân, xử lý nước thải sau biogas bằng hệ thống lọc qua vật liệu và trồng cây thủy sinh nhằm xử lý nước thải chăn nuôi sau xử lý xả thải ra môi trường đảm bảo theo quy chuẩn.

09-47-18-locp-02-1684065251.jpg
Một số phương pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Chất thải từ chuồng nuôi được gom va xả vào bể thu gom, phân lợn được lắng đọng trong các ngăn của bể thu gom, còn nước thải tiếp tục chảy vào hầm biogas, cuối cùng đến bể lọc rồi ra môi trường. Nước thải chăn nuôi sau khi qua hệ thống bể lọc sẽ đạt Quy chuẩn 62-MT:2016/BTNMT. Phân được hút từ bể thu gom thông qua 1 máy bơm lên hệ thống mặt sàng rung. Sàng rung tách phân và nước ra khỏi nhau.

Đối với các trang trại có quy mô trên 1.000 con lợn, áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống bể thu phân nhiều ngăn để làm phân hữu cơ và tách phân bằng máy ép phân kết hợp ủ men vi sinh làm phân bón hữu cơ.

Sau 1 ngày, phân có độ ẩm khoảng 60 - 70%. Phân được trộn với trấu, cám và chế phẩm sinh học để ủ làm phân hữu cơ. Việc ép tách phân tùy thuộc vào quy mô nuôi lợn, có thể tách theo hàng ngày, hàng tuần hoặc tháng để xử lý phân thành phân hữu cơ dùng cho sản xuất nông nghiệp.

Trong chăn nuôi gia cầm để xử lý chất thải, nhiều địa phương và cơ sở cũng đã áp dụng phương pháp chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học để giảm thiểu mùi hôi từ chất thải, giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, hạn chế bệnh tật. Cùng với đó bảo vệ môi trường sống, cải thiện môi trường trong chăn nuôi.

Xử lý chất thải chăn nuôi theo quy trình sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giúp người dân giải quyết được bài toán khó về môi trường, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn và bền vững, góp phần quan trọng giải quyết tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới./.