Đồng Tháp thêm nguồn thu nhập từ phụ phẩm sau lúa và gạo

Tỉnh Đồng Tháp hàng năm sản xuất 3 vụ lúa trên diện tích hơn 530 nghìn ha, sản lượng đạt trên 3,3 triệu tấn. Sau khi thu hoạch, nhiều thương lái đến mua rơm tươi hoặc cho vịt chạy đồng, giúp người trồng lúa tăng thêm nguồn thu nhập.

Theo đó, bình quân mỗi ha lúa vừa thu hoạch xong còn thu thêm từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng từ bán rơm tươi và cho vịt chạy đồng thu thêm hơn 500 ngàn đồng/ha.

Bà con nông dân ở Đồng Tháp tích cực áp dụng các biện pháp xử lý phụ phẩm sau thu hoạch giúp vừa tăng thu nhập, vừa giảm gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể như hạn chế đốt rơm trên đồng ruộng, các cuộn rơm tròn được chuyển đi bán tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre hoặc các tỉnh miền Đông Nam bộ. Rơm có thể được dùng làm phân bón sau khi được xử lý bằng men vi sinh, làm thức ăn cho gia súc hoặc dùng các hộ trồng nấm rơm, làm phân hữu cơ, giữ ẩm cho đất trồng cây ăn trái. Đặc biệt hơn nữa, đã có thầy giáo làng tại Đồng Tháp đã “hô biến” rơm rạ thành tranh, không chỉ mang lại thu nhập cao từ rơm mà còn mang lại giá trị về văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Dồ ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết, có 3 ha đất sản xuất 3 vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông, mỗi năm ông chỉ bán 2 đợt rơm được 30 triệu đồng, không đốt rơm bỏ làm chai đất và ảnh hưởng đến môi trường. Sau khi đưa rơm ra khỏi ruộng, giúp ông làm sạch đất và cắt mầm bệnh để sản xuất cho mùa vụ sau.

Ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười cho biết, nuôi hơn 5.000 con vịt đẻ chạy đồng, để cho vịt ăn, ông phải mua đồng, vậy là người trồng lúa có nguồn thu nhập để cho vịt vào ăn lúa đổ còn lại sau thu hoạch, bình quân mỗi ha ông trả cho chủ ruộng từ 400-500 ngàn đồng. Ngoài việc có lợi thêm nguồn thu cho vịt chạy đồng vào ăn mà nông dân làm lúa con có lợi là vịt ăn hết những lúa còn sót lại, hoặc ăn những côn trùng, cua, ốc bươu vàng nguy hại, giúp sản xuất lúa mùa vụ sau tốt hơn.

lua-nep-thom-mard-1647591700.jpeg
Ảnh minh hoạ

Hiện tỉnh Đồng Tháp có hơn 7 triệu con vịt và sản xuất hơn 530 ngàn ha lúa, nếu bán được rơm từ 50% diện tích và cho vịt chạy đồng thì nguồn thu của bà con nông dân trong toàn tỉnh cho thêm hàng trăm tỷ đồng từ nguồn bán phụ phẩm sau lúa.

Đặc biệt, tỉnh Đồng Tháp còn phát triển chế biến sâu các sản phẩm sau gạo mang lại giá trị gia tăng cao. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 4 doanh nghiệp lớn sản xuất trên 10 chủng loại sản phẩm chế biến sau gạo, trên 400 cơ sở sản xuất bột gạo các loại, phát triển làng nghề bột; 26 cơ sở sản xuất củi trấu và 3 dự án đầu tư chiết xuất dầu cám. Với các dòng sản phẩm chế biến sâu, giá trị tăng thêm so với gạo khá cao, gấp 2-4 lần, như ống hút gạo xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu.

Tận dụng các phụ phẩm sau xay xát như cám, trấu tạo giá trị gia tăng, hàng năm, sản lượng lúa của tỉnh đạt hơn 3,3 triệu tấn/năm, mỗi năm cho ra khoảng 300.000 tấn cám. Đây không chỉ là nguyên liệu cho các nhà máy thức ăn gia súc, thủy sản mà còn là nguyên liệu cho các dự án trích ly dầu gạo từ cám. Bình quân cứ 18 kg cám trích ly được 1 kg dầu gạo thành phẩm. Như vậy, nếu tận dụng toàn bộ hơn 300.000 tấn cám gạo mỗi năm sẽ trích ly được 16 triệu lít dầu gạo.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án đầu tư chiết suất dầu cám. Xu hướng sử dụng dầu gạo trên thế giới ngày càng lớn, mỗi năm toàn cầu mới chỉ sản xuất 1,7 triệu tấn dầu gạo. Viên nén trấu là sản phẩm được tận dụng nguyên liệu từ trấu sau quá trình xay xát lúa gạo. Viên nén trấu được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như làm chất đốt, chăn nuôi-lót chuồng, được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và thị trường Châu Âu. Giá viên nén trấu ở Đồng Tháp khoảng trên 1.000 đồng/kg, cao hơn 2-3 lần so với mua trấu nguyên liệu.

Đồng Tháp hướng đến các sản phẩm phụ sau lúa và gạo hiện nay đang bị xem là phế phẩm sẽ trở thành những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều so với sản phẩm chính phẩm hiện tại. Tỉnh xác định đây là mục tiêu mà Đồng Tháp sẽ tập trung phát triển mạnh trong thời gian tới./.