Theo Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, hiện nay đã có nhiều nông dân tại địa phương đã áp dụng chiến lược không ký gửi nông sản. Thay vào đó, ngay sau khi thu hoạch, bà con liền tự sơ chế và bảo quản. Sau đó, họ chờ đến khi giá thị trường hợp lý hoặc lúc cần tiền chi tiêu thì mới đưa nông sản ra bán.
Điển hình cho xu hướng này là HTX Bình Minh ở xã Ea Pô (huyện Cư Jút). Đây là một trong những đơn vị tập hợp nông dân sản xuất hồ tiêu bền vững. Không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX còn tổ chức tập huấn cho nông dân và các thành viên cách bán hồ tiêu trước mỗi vụ thu hoạch để góp phần nâng cao giá trị kinh tế.
Ông Phạm Đức Hùng ở xã Đắk Sắk (huyện Đắk Mil) là một thành viên HTX Bình Minh. Gia đình ông có 500 trụ tiêu, mỗi năm thu hoạch trên 2 tấn. Ông Hùng cho biết, trước đây cứ mỗi mùa thu hoạch hồ tiêu xong thì ông đều mang gửi đại lý. Năm nay, nhờ được HTX Bình Minh tập huấn nên ông hiểu rõ hơn về những rủi ro khi gửi theo hình thức này. Đồng thời, ông Hùng cũng đã biết cách bán sản phẩm sao cho hiệu quả.
Ông Hùng chia sẻ: "Hồ tiêu sau khi thu hoạch thì chúng tôi đem phơi khô rồi cất vào kho. Lúc nào cần tiền để chi tiêu thì mới đem ra bán bán. Với cách làm này, chúng tôi đã có thêm doanh thu trên 300 triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao nhất của gia đình trong 8 năm qua” .
Lâu nay, nhiều nông dân ở Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung thường có thói quen là chở tất cả nông sản đến đại lý hay công ty để ký gửi sau khi thu hoạch. Thủ tục ký gửi nông sản thường chỉ là tờ giấy viết tay. Việc ký gửi thì chủ yếu là chờ chốt giá hoặc chờ đến thời điểm được giá cao thì bán.
Hoạt động ký gửi nông sản từ nhiều năm qua đã được địa phương cảnh báo về mức độ rủi ro cao cũng như là “kẽ hở” để những chủ đại lý, công ty lợi dụng. Thực tế, hàng năm ở Đắk Nông đều xảy ra những vụ vỡ nợ, phá sản do ký gửi nông sản. Điều này đã làm cho nhiều nông dân thiệt hại nặng nề về kinh tế, đời sống.
Chị Vũ Thị Thảo ở xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song) cho biết từng ký gửi 1 tấn hồ tiêu cho một đại lý nông sản. Sau đó, chủ đại lý bỏ trốn và chị Thảo mất trắng số lượng hồ tiêu này. "Sau khi được tham gia tập huấn và hướng dẫn về cách bán hàng, hiện nay tôi không còn ký gửi hồ tiêu hay bất kỳ nông sản nào khác cho đại lý nữa” , chị Thảo cho hay.
Theo ông Lê Anh Sơn - Giám đốc HTX Bình Minh cho biết thói quen này của nông dân cần phải thay đổi. Việc ký gửi biểu hiện bế tắc, bị động trong khâu tiêu thụ nông sản. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm qua không chỉ ở Đắk Nông mà còn ở nhiều tỉnh khác. Do đó, cần phải hỗ trợ để nông dân nắm bắt được thông tin thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng. Các cấp, ngành, nhất là các hội nông dân, các HTX… cần tuyên truyền cho nông dân về cách bán nông sản theo xu thế mới.
Ngoài ra, ông Sơn còn cho biết đối với HTX Bình Minh thì việc tiêu thụ sản phẩm của thành viên, nông dân trong HTX suốt thời gian qua đã có sự hỗ trợ từ Rainforest Alliance - Tổ chức chứng nhận sản xuất nông nghiệp bền vững và các công ty kinh doanh hồ tiêu đầu ngành.
Từ tháng 12/2023 đến nay, HTX Bình Minh đã tổ chức 22 lớp tập huấn cho hơn 800 lượt nông dân tại Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Krông Nô, Đắk Glong về thị trường hồ tiêu, cách bán sản phẩm… Thông qua đó, HTX đã tuyên truyền, khuyến khích nông dân các nội dung quan trọng như như: chi tiêu đến đâu - bán hàng ra đến đó; không ký gửi nông sản; cũng không nên vay nóng để đầu cơ hay tích trữ nông sản...
Đắk Nông hiện có 319.397ha sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích gieo trồng cây hàng năm khoảng 84.724ha. Bên cạnh đó, diện tích cây lâu năm của địa phương vào khoảng 234.673ha. Hiện nay, Đắk Nông có nhiều loại nông sản chủ lực tiêu biểu như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, sầu riêng, bơ.../.