Liên kết lỏng lẻo dẫn tới tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng tiêu thụ nông sản
Tại ĐBSCL thời gian qua, tín hiệu đáng mừng là ở nhiều nơi đã hình thành đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Cụ thể như liên kết theo chuỗi giá trị; liên kết ngành, cụm ngành hàng chủ lực; liên kết theo chuỗi sản xuất và chế biến; liên kết hướng đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; liên kết vận tải - logistics và liên kết công nghệ thông tin. Tuy nhiên, việc liên kết đó hiệu quả chưa đạt như mong muốn; đồng thời còn thiếu tính bền vững.
Ở nhiều địa phương trong vùng, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi. Các hình thức liên kết còn lại chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm. Chính vì thế, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao là rất cần thiết, làm hạn chế việc không đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, Ban Chỉ đạo SDMD 2045 cho rằng, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Vùng này đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa và 95% lượng gạo xuất khẩu; gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng; 60% lượng cá xuất khẩu; và gần 70% các loại trái cây của cả nước.
“Lợi thế là vậy nhưng liên kết vùng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản còn yếu. Liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, lỏng lẻo, do chưa có sự hài hòa về lợi ích giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị nông sản”, GS. Toàn đánh giá.
PGS.TS Lý Nguyễn Bình, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng trên nền tảng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thực phẩm đã trở thành một yếu tố không thể thiếu để tối ưu hóa quá trình sản xuất và chế biến nông sản, phục vụ cho việc nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần cho tiêu thụ và xuất khẩu:
"Chúng ta có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nói chung. Gần đây, sau dịch Covid cho thấy thương mại điện tử đã góp phần làm tăng hiệu quả kinh doanh nông sản. Cụ thể về ngành rau quả cho thấy sản xuất và kinh doanh rau quả đang phát triển mạnh, doanh số vượt qua lĩnh vực lúa gạo. Hiện cả nước có khoảng 7500 cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm và khoảng 160 nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, tỷ trọng rau quả qua chế biến thì chỉ chiếm 10% tổng sản lượng rau quả sản xuất ra. Điều đó cho thấy là khâu sản xuất, chế biến còn khá nhỏ", PGS.TS Lý Nguyễn Bình cho biết.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các địa phương vùng ĐBSCL cần tăng cường liên kết. Chính việc liên kết vùng hiệu quả sẽ đồng thời tạo nên các vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm sản lượng và chất lượng nông sản, nhất là đối với các loại trái cây có thế mạnh của từng địa phương. Nông sản nhờ đó sẽ được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cho các vùng lúa, rau, cây ăn trái, dừa, vùng nuôi tôm, cá trọng điểm…, từ đó đưa ĐBSCL trở thành trung tâm sản xuất, chế biến cung ứng một số sản phẩm nông sản đặc sản, chất lượng cao
"Theo thống kê của chúng tôi, có khoảng 4.000 doanh nghiệp đang sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Trong đó phần về sản xuất không chiếm nhiều nhưng về thương mại thì rất lớn. Họ ít tiếp cận về kỹ thuật nhưng tập trung về thương mại. Tôi nghĩ với tình hình phát triển logistics của Việt Nam như hiện nay thì rõ ràng tương lai ĐBSCL sẽ có nhiều đơn vị tham gia thương mại về thủy sản cũng như nông sản. Do đó chúng ta phải chuẩn bị tinh thần để phát triển một cách bền vững. Bởi vì trong vấn đề về nông sản, yếu tố an toàn thực phẩm vẫn là hàng đầu. Và gắn với an toàn thực phẩm thì không thể nói rằng tôi ở khâu này thì tôi làm tốt khâu đó, mà phải xuất phát từ gốc là cây con giống, nuôi trồng, canh tác", ông Trương Đình Hòe cho biết.
Phát huy vai trò “nhạc trưởng” thúc đẩy chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản cho Vùng
Để từng bước khắc phục những hạn chế trong liên kết sản xuất, TP. Cần Thơ đang xúc tiến thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL.
Tín hiệu đáng mừng là vai trò “nhạc trưởng” của Cần Thơ ở vùng ĐBSCL đã được các cấp lãnh đạo Trung ương nhìn nhận, đã và đang ban hành một số chính sách, giải pháp khẩn thiết nhằm thúc đẩy chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản cho Vùng. Trong đó, việc xúc tiến thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ được coi là động lực thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL.
Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Cần Thơ, dự án Trung tâm liên kết xây dựng tại Cần Thơ có diện tích 250 ha, được chia thành hai khu (Khu 1 rộng 50 ha tại quận Bình Thủy, Khu 2 rộng 200 ha tại huyện Cờ Đỏ) với 10 chức năng hoạt động.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn cho biết, Trung tâm liên kết được xác định sẽ trở thành “Một điểm đến, đa dịch vụ” góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.
"Chúng tôi xác định trung tâm đầu mối, tổng hợp của Cần Thơ với chức năng chính là thương mại và logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản. Vấn đề này cũng đã xác định tại quyết định của Thủ tướng trong phê duyệt quy hoạch của vùng ĐBSCL. Do đó, từ cơ sở này, chúng tôi đã xây dựng đề án để thành lập trung tâm. Hiện cũng đã đưa vào quy hoạch tích hợp của Cần Thơ và Thủ tướng cũng đã phê duyệt quy hoạch", ông Nguyễn Tấn Nhơn nói.
Dù là vùng sản xuất nông sản trọng điểm, nhưng chế biến và gia công sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL lại là khâu yếu nhất. Các nhà máy chế biến chưa đáp ứng được so với sản lượng sản xuất ra, nên gây lãng phí, giảm giá trị sản phẩm. Chính vì thế, việc xây dựng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, giữa nông dân với các cơ sở chế biến và cơ sở kinh doanh để kết nối được lợi ích với nhau cùng phát triển là vấn đề đặt ra cho ĐBSCL lúc này.
Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong phát triển và nâng chất chuỗi giá trị nông sản. Với vị trí trung tâm, nơi tập trung đông đảo viện, trường, TP Cần Thơ cần phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt các địa phương trong vùng trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ và chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông thủy sản của vùng./.