Xây dựng và vận hành thị trường carbon ở Việt Nam

Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải đổi mặt với thách thức phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp nhưng có tốc độ phát triển vượt bậc.

Nhiều áp lực để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”

Trong 3 thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng tỷ lệ thuận với việc gia tăng phát thải khí nhà kính. Theo Báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia mới nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2016, tổng lượng khí thải cả nước là 316 triệu tấn CO2 tương đương, và dự kiến sẽ tăng lên 928 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030 và 1,5 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2050 theo kịch bản phát triển thông thường. Kể từ năm 2000, lượng khí thải từ các hoạt động năng lượng (bao gồm giao thông vận tải, công nghiệp và dân cư) tăng nhanh, chiếm 65% tổng lượng khí thải vào năm 2016. So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, cường độ phát thải trên một đơn vị GDP của Việt Nam khá cao, khoảng 0,35 kg CO2 /1USD.

thi-truong-carbon-1665462943.jpg
Nhiều áp lực để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Ảnh minh họa

Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải đổi mặt với thách thức phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp nhưng có tốc độ phát triển vượt bậc, và sẽ cần huy động mọi nguồn lực, áp dụng các giải pháp sáng tạo, trong đó định giá carbon (bao gồm thuế carbon và thị trường carbon) được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi.

Theo đánh giá của tổ chức “Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam – VIETSE”: Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế carbon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá carbon nếu tính trên đơn vị khí nhà kính khi thuế suất cho xăng dầu (32 – 76 USD/tấn CO2)cao hơn nhiều so với than (0,22 – 0,42 USD/tấn CO2 phát thải). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cả hai công cụ thuế carbon và thị trường carbon đều có thể được áp dụng song song một cách linh hoạt để tối ưu hóa việc cắt giảm phát thải. Tuy nhiên, thị trường carbon ngày càng trở nên phổ biến vì đạt được kết quả giảm phát thải một cách chắc chắn hơn và cho phép các doanh nghiệp được linh hoạt, chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí trong cắt giảm phát thải.

Xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, khi rất nhiều các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm phát thải đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Giảm phát thải không chỉ nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường và hướng tới phát triển bền vững mà còn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của quốc gia nhập khẩu. Để làm được việc này thì việc xây dựng và vận hành thị trường carbon là yếu tố tất yếu.

anh-3-1665462943.jpeg
Việt Nam quyết tâm phát thải ròng về “0”. Ảnh minh họa

Luận giải về thị trường carbon, PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường chỉ rõ, thị trường carbon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh “thuận mua, vừa bán” và đôi bên cùng có lợi.

“Khi tham gia vào thị trường carbon không bên nào bị thiệt, các bên cùng có lợi và thu được lợi nhuận”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho biết, có một hạn mức nhất định giấy phép xả thải (hạn ngạch) được quy định phát hành cho các doanh nghiệp từ Nhà nước.

Ông cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm phát triển thị triển thị trường carbon và sự chủ động tham gia của doanh nghiệp. Thứ nhất, hoàn thiện quy định của pháp luật về phát triển thị trường carbon. Theo quy định của pháp luật, Bộ tài chính chịu trách nhiệm chủ trì thành lập thị trường carbon ở Việt Nam, do vậy cần sớm xây dựng đề án thành lập thị trường carbon trình Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị đến năm 2025 sàn giao dịch tín chỉ các-bon tiến hành vận hành thí điểm.

Thứ hai, vai trò chủ động của doanh nghiệp. nếu là doanh nghiệp sản xuất phát thải khí nhà kính cần chủ động xác định lượng phát thải tại doanh nghiệp.

Thứ ba, sự vào cuộc các bên liên quan. Những cơ quan có vai trò giúp đỡ doanh nghiệp như Hiệp Hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ. phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)..., chủ động giúp đỡ doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức về thị trường carbon, kết nối doanh nghiệp...

Thứ tư, kinh nghiệm cho thấy khi công tác truyền thông tốt, nhận thức doanh nghiệp đầy đủ về thị trường carbon việc thực hiện sẽ tiến hành thuận lợi, ngược lại truyền thông không tốt việc triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thứ năm, sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị tham gia thị trường carbon có vai trò hết sức quan trọng như là động lực để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường carbon từ cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện, hỗ trợ về hạ tầng và công tác hành chính để doanh nghiệp có cơ hội tham gia tốt nhất. Chính quyền như bà đỡ cho doanh nghiệp tham gia thị trường carbon.

“Phát triển thị trường carbon với sự tham gia chủ động của doanh nghiệp có một vai trò hết sức quan trọng, muốn vậy doanh nghiệp phải nắm bắt được nguyên lý vận hành của thị trường carbon, các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường carbon từ đó chủ động trong việc cân đối với năng lực và khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon”, vị chuyên gia này đề xuất.

Đông Nghi