Hàn Quốc nỗ lực với chương trình phát triển xanh

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong các sáng kiến và thực hành về tăng trưởng xanh và kinh tế xanh. Năm 2020, Hàn Quốc đã tuyên bố “Tăng trưởng Xanh Carbon Thấp” trở thành tầm nhìn quốc gia mới.
1-eakp-1665279878.jpg

Tầm nhìn này nhằm mục đích chuyển đổi mô hình tăng trưởng của quốc gia, từ tăng trưởng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang mô hình tăng trưởng theo định hướng chất lượng, với trọng tâm sử dụng các nguồn năng lượng mới, tái tạo và công nghệ xanh.

Tầm nhìn cũng đã mở ra một kỷ nguyên mới của thay đổi, sáng kiến, cơ hội và các lợi ích hướng đến tăng trưởng xanh. Ngay sau đó, Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh (2009-2050) và các Kế hoạch 5 năm đã được xây dựng để đưa ra khung chính sách toàn diện cho tăng trưởng xanh ngắn hạn và dài hạn.

Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh (2009-2050) có ba mục tiêu chính:

1 - Tạo các động lực tăng trưởng mới thân thiện với môi trường;

2 - Nâng cao chất lượng cuộc sống;

3 - Đóng góp vào các nỗ lực quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các Kế hoạch 5 năm đã vạch ra hành động của Chính phủ để thực hiện chiến lược, cũng như nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ ngành, cơ quan quản lý địa phương và phân bổ ngân sách.

Chính phủ sử dụng khoảng 2% GDP hàng năm như gói “kinh phí xanh” cho các chương trình và dự án tăng trưởng xanh (tổng kinh phí khoảng 86 tỷ USD cho cả giai đoạn), đồng thời đầu tư gói kích thích trị giá 38,5 tỷ USD cho Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm hỗ trợ các nguồn năng lượng tái tạo, mở rộng hệ thống đường sắt, cải thiện quản lý chất thải để tăng việc làm trong lĩnh vực xanh, giảm phát thải nhà kính… (OECD, Nghiên cứu về môi trường của OECD: Hàn Quốc 2017)

Ba kế hoạch 5 năm đã được triển khai, nhưng tăng trưởng xanh không còn là ưu tiên chính trị hàng đầu của Hàn Quốc. Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (2014-2018) đưa ra khái niệm “kinh tế sáng tạo” và các chính sách tăng trưởng xanh được sửa đổi thành “các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu” sau Hiệp định Paris 2015. Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (2019-2023) đã đưa ra một tầm nhìn mới cho “Đất nước Xanh Toàn diện”.

Chính vì vậy, bên cạnh một số kết quả tích cực mà Chiến lược Tăng trưởng Xanh Carbon thấp đem đến cho tăng trưởng xanh của Hàn Quốc, chính sách không nhất quán cũng mang lại số kết quả không mong đợi như: Phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng, ô nhiễm không khí thải ra từ các ngành công nghiệp nặng, năng lượng chính được sử dụng vẫn là nhiên liệu hóa thạch, phương tiện đường bộ tiếp tục là hình thức đi lại chủ yếu (OECD, Nghiên cứu về môi trường của OECD: Hàn Quốc 2017).

Dự án Khôi phục Bốn dòng sông là dự án tăng trưởng xanh điển hình dưới thời Tổng thống Lee Myung Bak, là một dự án cơ sở hạ tầng có quy mô lớn, thiết lập cơ chế rõ ràng để lập kế hoạch, quản lý, điều hành, tài chính đồng thời liên tục đổi mới.

Bốn con sông lớn nằm trong phạm vi dự án gồm sông Hàn, sông Nakdong, sông Geum và sông Yeongsan. Dự án được triển khai trong hơn hai năm (2009-2011) với mục tiêu phục hồi các con sông lớn của Hàn Quốc thông qua năm nhiệm vụ then chốt: 1- Bảo vệ nguồn nước, 2 - Hạn chế lũ lụt, 3 - Nâng cao chất lượng nguồn nước và khôi phục hệ sinh thái, 4 - Tạo không gian công cộng cho người dân và 5 - Phát triển cộng đồng dựa vào sông nước.

Kinh phí thực hiện dự án được trích từ “kinh phí xanh” của Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh, dành riêng 19,3 tỷ USD cho các nhiệm vụ liên quan đến nguồn nước (Ủy ban Đánh giá Dự án Khôi phục Bốn Dòng sông, “Báo cáo Đánh giá Dự án Khôi phục Bốn Dòng sông”, 2014). Chỉ vài năm sau khi kết thúc, Dự án Khôi phục Bốn Dòng sông đã cho thấy những hiệu quả nhất định đối với năm mục tiêu then chốt của mình.

Trong đó, ngành du lịch được hưởng lợi khi chất lượng nước được nâng cao và hệ sinh thái ven sông phục hồi, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên sông nước. Nhiều sản phẩm du lịch mới đã được khai thác và đa dạng hóa trải nghiệm du khách như: Sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch dựa vào cộng đồng tại các làng ven sông; đường đi bộ ven sông theo nhiều chủ đề; đường dành riêng cho xe đạp dọc theo các con sông; các “Nhà Văn hóa” đa chức năng được xây dựng ven sông cung cấp không gian cho người dân và du khách thưởng thức văn hóa và nghệ thuật.

Hàn Quốc công bố "Kế hoạch tăng trưởng xanh 5 năm lần thứ ba" (2019-2023)

Ngày 21/5/2019, Chính phủ Hàn Quốc đã mở cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Lee Nak-yon, công bố "Kế hoạch tăng trưởng xanh 5 năm lần thứ ba." Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (2019-2023) đưa ra một tầm nhìn mới cho “Đất nước xanh toàn diện”.

Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc quyết định lập nguồn vốn vay lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, có quy mô 5.000 tỷ won (khoảng 4,2 tỷ USD) trong vòng ba năm, để giúp các doanh nghiệp đầu tư cho thiết bị ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Chính phủ có kế hoạch phát triển công nghệ năng lượng thông minh, tiêu thụ ít nhiên liệu, hiệu suất cao, và các công nghệ xanh giúp giải quyết những vấn đề môi trường có liên quan mật thiết đến người dân như bụi nhỏ.

Để thực hiện Lộ trình giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tới năm 2030, Chính phủ Hàn Quốc sẽ đề ra mục tiêu về giảm thải khí thải theo từng ngành công nghiệp, từng lĩnh vực vận tải, công trình và công khai về tình hình thực hiện. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy thị trường mua bán quyền phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xúc tiến đa dạng hóa phương thức đấu thầu nhằm nhằm cân đối cung cầu. Nước này hiện đang áp dụng cơ chế cho phép các doanh nghiệp phát thải dưới mức cho phép có thể bán quyền phát thải hoặc chuyển cho giai đoạn sau.

Mặt khác, Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa vào sử dụng 433.000 xe ôtô điện và 67.000 xe ôtô chạy bằng hydro cho tới năm 2022, nhằm giảm bụi nhỏ và khí gây hiệu ứng nhà kính từ các phương tiện giao thông. Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ mở rộng áp dụng nghĩa vụ chứng nhận tòa nhà không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, từ các tòa nhà Nhà nước như hiện nay sang các tòa nhà tư nhân cho tới năm 2025./.

Tú Anh TH