Để mỗi xã tạo dựng được một sản phẩm đặc trưng, huyện Bảo Yên tổ chức nhiều lớp tập huấn về OCOP cho các địa phương và một số chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng. Liên hệ tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP.
Tính đến hết năm 2021, huyện Bảo Yên có 11 sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh là chè Ô long, mật ong, sữa ong chúa, Tinh dầu Quế Bảo Yên; Tinh dầu sả Bảo Yên và 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh là Chè xanh, Phấn hoa, Hồng không hạt Bảo Hà, Thanh long ruột đỏ Bảo Yên, Gạo séng cù Lương Sơn, Ếch sấy Thanh Mai.
Đây là những sản phẩm đặc sản mang thương hiệu của Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường hàng Việt, nhất là từ khi được công nhận sản phẩm OCOP.
Để có được kết quả vui mừng như vậy, phải kể đến sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn toàn huyện Bảo Yên. Đồng thời, huyện còn làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về chương trình sản phẩm OCOP, từng bước xây dựng thương hiệu, mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người dân.
Bên cạnh đó là sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Bảo Yên trong thời gian vừa qua đã không ngừng hoàn thiện sản phẩm của mình cả về mẫu mã lẫn chất lượng sản phẩm, quan tâm đến việc xây dựng và quảng bá thương hiệu để hướng tới nền sản xuất bền vững theo hướng hàng hóa.
Hàng năm, Bảo Yên còn tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện tại các hội chợ thương mại trong tỉnh Lào Cai. Đây là dịp giới thiệu cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Bảo Yên tham gia các hội chợ OCOP do các tỉnh, thành phố trên toàn quốc tổ chức nhằm giúp các đơn vị tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Được biết, doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất OCOP sau khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đều tăng doanh thu từ 20 - 30% so với trước đây nhờ được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như giá thành sản phẩm tăng.
Nhằm tạo ra cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, cung cấp thị trường những sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, tăng thu nhập cho người nông dân, Bảo Yên còn thường xuyên tổ chức các hội chợ, lễ hội trên địa bàn huyện.
Đồng thời, tham gia các hội chợ toàn quốc, hội chợ biên giới trong đó ưu tiên cho các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Bảo Yên nhằm giúp các doanh nghiệp trong tỉnh quảng bá được hình ảnh cũng như đưa các sản phẩm có thương hiệu, sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, với một huyện có xuất phát điểm thấp trong phát triển kinh tế, hơn nữa, đây cũng là chương trình mới, việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế ở nhiều khâu nên những kết quả đạt được trong hơn 3 năm qua đối với huyện Bảo Yên đã là những kết quả đáng khích lệ, là động lực để trong thời gian tới sẽ hoàn thiện và xây dựng thêm nhiều sản phẩm OCOP mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Việt Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên chia sẻ: “Để đưa Chương trình OCOP trở thành trọng tâm, xuyên suốt gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới chúng tôi tích cực truyên truyền về các chế độ, chính sách đến các doanh nghiệp, HTX. Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ các chủ thể làm hồ sơ, thủ tục, hoàn thiện sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, góp phần đưa các hàng hóa có thế mạnh của địa phương tham gia phân hạng sản phẩm tại tỉnh”.