OCOP ở Hà Giang cơ hội và thách thức

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang, với điều kiện thuận lợi trên, để khai thác thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo.
mv-1651192225.jpg
Sản phẩm OCOP đang trở thành hàng hóa

Tỉnh Hà Giang xác định cần thiết triển khai Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Chương trình OCOP đã tạo ra cơ hội để nông dân liên kết, xây dựng hợp tác để sản xuất ra sản phẩm.

Sản phẩm OCOP đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp sức tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới; đồng thời, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đã tổ chức đánh giá phận hạng được 120 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao cấp tỉnh, trong đó 02 sản phẩm Trà xanh, Hồng trà đề xuất Trung ương đánh giá công nhận 5 sao cấp Quốc gia của 63 chủ thể (09 Doanh nghiệp, 46 HTX, 08 hộ gia đình) trên địa bàn trong tỉnh.

Các sản phẩm thuộc 6 nhóm ngành là thực phẩm (104 sản phẩm), đồ uống (10 sản phẩm), thảo dược (01 sản phẩm), thủ công mỹ nghệ (01 sản phẩm), vải, may mặc (03 sản phẩm), Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch (01 sản phẩm). Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận được 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông triển khai, xây dựng Website Chương trình OCOP (https://ocop.hagiang.gov.vn) để tuyên truyền triển khai, thực hiện Chương trình OCOP, đồng thời, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giang; Kết quả thực hiện Chương trình đã có một số chủ thể tiêu biểu điển hình như:

- HTX du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp thôn Nậm Hồng xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Năm 2019, HTX được xã Thông Nguyên chọn tham gia chương trình OCOP, được tỉnh đánh giá xếp hạng 4 sao.

- Hợp tác xã chế biến chè Fìn Hồ, thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang là cơ sở chế biến Chè Shan tuyết đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để chế biến một số dòng sản phẩm chè cao cấp; Hợp tác xã DV NLN tổng hợp Ngọc Sơn với dây chuyền chế biến Củ nghệ tươi tại địa phương thành nhiều dòng sản phẩm giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, mang lại nguồn thu cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn.

mv2-1651192599.jpg
Mật ong bạc hà đang trở thành sản phẩm OCOP có thương hiệu

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng với 3.000 đàn ong đã mang lại nguồn thu ổn định cho các hộ gia đình nuôi ong trên địa bàn huyện Mèo Vạc; Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm tại thôn Nặm Đăm xã Quản Bạ huyện Quản Bạ đã đưa các bài thuốc dân gian của người Dao trên địa bàn chế biến thành những sản phẩm hữu ích phục vụ rất tốt cho người dân và đặc biệt là khách du lịch, làm gia tăng giá trị sử dụng cũng như mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng người dân tộc dao trên địa bàn.

Theo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp Quốc gia vào tháng 6 năm 2021, tỉnh Hà Giang có 2 sản phẩm OCOP được chứng nhận 5 sao là Trà xanh hộp 100 gam và Hồng trà hộp 100 gam của Hợp tác xã chế biến chè Fìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Tháng 3 năm 2018, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 500/QĐ-UBND phê duyệt đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu sẽ thực hiện tại 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, riêng biệt, có lợi thế cạnh tranh, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; Giai đoạn 2020 - 2030 mở rộng ra tất cả các sản phẩm truyền thống có tiềm năng sản xuất hàng hóa và các sản phẩm mới.

Năm 2021, toàn tỉnh có 77 sản phẩm của 48 chủ thể có hồ sơ đủ điều kiện để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh tổ chức chấm điểm và xếp hạng cho từng sản phẩm. Qua đánh giá có 40 sản phẩm của 29 chủ thể (Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình) được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu OCOP 3 sao.

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại Hà Giang có 194 sản phẩm được phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao và 02 sản phẩm đạt 5 sao cấp Quốc gia. Có thể khẳng định, thông qua việc đánh giá, phân hạng, sản phẩm OCOP góp phần giúp các chủ thể kinh tế phát hiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn quy định, đáp ứng nhu cầu thị trường gắn với việc hình thành và phát triển các hình thức sản xuất nông thôn phù hợp, tạo điều kiện để phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương…/.

Hà Thái