Bến Tre đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng sản phẩm OCOP

Trong 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre đứng ở vị trí thứ 3 với 131 sản phẩm OCOP. Đứng đầu là tỉnh Đồng Tháp, với 265 sản phẩm OCOP, thứ 2 là tỉnh Sóc Trăng, với 144 sản phẩm.
san-pham-ocop-1650622957.jpg
Sản phẩm OCOP của TP. Bến Tre trưng bày tại hội chợ xúc tiến thương mại. (Ảnh: Báo Đồng Khởi)

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, từng bước đưa sản phẩm đặc sản của mỗi địa phương lên tầm quốc gia và quốc tế. Chương trình này được khởi động từ tháng 6-2019 tại tỉnh Bến Tre.

Theo đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, đến nay, Bến Tre đạt được 131 sản phẩm của 54 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, 66 sản phẩm đạt 3 sao và 65 sản phẩm đạt 4 sao. Trong đó, có 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình trung ương xem xét để đánh giá. Đạt số sản phẩm OCOP nêu trên, Bến tre xếp thứ 3 trong khu vực ĐBSCL.  

Sản phẩm OCOP của Bến Tre chủ yếu thuộc ngành thực phẩm và thảo dược: Mặt nạ dưỡng da từ nước dừa của Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long; Kẹo dừa sầu riêng và kẹo dừa béo nguyên chất của Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh tổng hợp Đông Á; Kẹo sữa dừa nguyên chất Yến Hoàng và bánh hoa dừa Tiến Đạt của Công ty TNHH Vĩnh Tiến; Sầu riêng và trái sầu riêng cấp đông của Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu; Nước cốt dừa, nước cốt dừa đậm đặc và Creamer dừa béo đặc của Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre...

Năm 2022, tỉnh Bến tre đề ra mục tiêu mỗi huyện, thành phố phát triển ít nhất 5 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao được UBND tỉnh công nhận và trình Trung ương tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Định hướng đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có ít nhất 160 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên và 15 sản phẩm đạt 5 sao theo bộ tiêu chí Trung ương ban hành. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi thế cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.

Tạ Nhị (t/h)