Quảng Trị: Khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với chương trình OCOP

Tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2022 – 2026, tầm nhìn đến 2030.

Đề án nhằm huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu gắn với sản phẩm OCOP đủ sức cạnh tranh trên thị trường; Phát triển dược liệu gắn với khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, quý hiếm của tỉnh, nhằm giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái gắn với khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp với y dược hiện đại; Chuyển hướng từ “sản xuất dược liệu” sang “kinh tế thảo dược” dựa trên lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, thị trường, giá trị gia tăng và nâng cao hiệu quả, hợp tác liên kết.

nguon-nguyen-lieu-phuc-vu-san-xuat-cac-san-pham-cao-duoc-lieu-o-cam-lo-anh-thanh-truc-1651137030.jpg
Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm cao dược liệu ở Cam Lộ  (Ảnh: Thanh Trúc).

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng đưa ra một số mục tiêu chung:

Phát triển cây dược liệu phù hợp với từng vùng sinh thái, trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội gắn với quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trồng và tự nhiên, gắn với cơ sở chế biến và phát triển các sản phẩm OCOP.

Phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với cơ sở chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường dược liệu trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu.

Nâng cao năng lực nghiên cứu, quản lý trong công tác chọn tạo sản xuất giống, quy trình sản xuất dược liệu an toàn, nâng cao năng suất và chất lượng dược liệu đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Thu hút các nhà đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc và thực phẩm chức năng. Xây dựng các mô hình khép kín từ nuôi, trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cây dược liệu.

Gắn phát triển dược liệu với phát huy các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều và Pa Kô, giữ gìn bản sắc dân tộc, sử dụng các bài thuốc cổ truyền gắn với du lịch sinh thái cộng đồng.

Trong giai đoạn từ năm 2022 – 2026, tỉnh Quảng Trị phấn đấu đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt 4.500 ha, trong đó trồng mới ít nhất 1.000 ha gồm: Trồng mới cây dược liệu có quy mô sản xuất tập trung ít nhất là 200 ha đối với những cây dược liệu đã khẳng định có hiệu quả, có khả năng nhân rộng, thị trường tiêu thụ ổn định như: Nghệ, Chè vằng, Sả, Cà gai leo, An xoa, Dây thìa canh, Tràm, Sâm bố chính, Quế, Đăng sâm...;

Trồng mới cây dược liệu dưới tán rừng ít nhất 800 ha đối với những cây dược liệu đã khẳng định có hiệu quả, có khả năng nhân rộng, thị trường tiêu thụ ổn định như: Bảy lá một hoa, Giảo cổ lam, Sâm cau, Khôi tía,...

Xây dựng, nâng cấp 05 cơ sở ươm cây giống dược liệu để chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng phát triển dược liệu trên địa bàn; Xây dựng và nâng cấp ít nhất 10 cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm có nguồn gốc từ cây dược liệu; Có thêm 15-20 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 01 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh lên trên 7.000 ha, trong đó trồng mới thêm ít nhất 2.500 ha: Trồng mới cây dược liệu có quy mô sản xuất tập trung ít nhất 1.000 ha (Chè vằng, Tràm, Nghệ, Sả, Cà gai leo, An Xoa, Dây thìa canh, Sâm bố chính, Đẳng sâm, Quế); Trồng mới dưới tán rừng ít nhất 1.500 ha (Bảy lá một hoa, Sâm cau, Giáo cổ lam, Khôi tía,...). Nâng cấp và đầu tư mở rộng cơ sở ươm giống cây dược liệu ít nhất 10 cơ sở để chủ động nguồn giống có chất lượng phát triển dược liệu trên địa bàn.

Phát triển thêm 30-35 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 02 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao; Xây dựng và nâng cấp thêm 10 cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm có nguồn gốc từ cây dược liệu.

Theo tìm hiểu được biết, hiện trên toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 19 sản phẩm dược liệu đã được chứng nhận sản phẩm OCOP (trong đó có: 4 sản phẩm đạt 4 sao, 15 sản phẩm đạt 3 sao). Có 12 chủ thể được chứng nhận OCOP, trong đó có 1 hợp tác xã, 7 doanh nghiệp và 4 hộ sản xuất kinh doanh.

nghe-uom-va-trong-cay-duoc-lieu-dem-lai-thu-nhap-cao-cho-nguoi-dan-xa-cam-nghia-1651137197.jpg
Nghề ươm và trồng cây dược liệu đem lại thu nhập cao cho người dân xã Cam Nghĩa  (Ảnh: Nhơn Bốn)

Quảng Trị cũng đã hình thành các mô hình sản xuất và cơ sở chế biến các sản phẩm dược liệu với sản lượng lên đến 8.000 tấn/năm. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là quy mô vùng nguyên liệu còn nhỏ, hạ tầng và quy trình sản xuất chưa hoàn thiện. Còn thiếu các doanh nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu đầu tư vào sản phẩm dược liệu, chủ yếu tiêu thụ ở dạng sản phẩm làm thực phẩm (trà, cao dược liệu…), chưa có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Ngoài ra, việc khai thác, sử dụng các loài dược liệu trong tự nhiên chưa gắn với các giải pháp bảo tồn và phát triển. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng hơn 3.555 ha diện tích cây dược liệu. Phần lớn tập trung ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh.

Qua khảo sát có 230 loài cây dược liệu, trong đó có 199 loài thuộc danh mục dược liệu được Bộ Y tế quy định. Trong đó, khoảng 40 loài dược liệu đã được nghiên cứu ứng dụng, mở rộng quy mô sản xuất, khai thác trong tự nhiên để chế biến và tiêu thụ cùng với hàng trăm loài dược liệu được người dân thu hái để làm thuốc. Đó là cây ba kích tím, sa nhân tím, sâm Ngọc Linh, sâm Bố Chính, đinh lăng, quế, đẳng sâm, , cà gai leo, lan kim tuyến, chè vằng, sả, nghệ... trồng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đoàn Thuận