Vùng Đồng bằng sông Hồng phải phát triển công nghiệp và đô thị bền vững

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho rằng cần phải đánh giá lại những gì đã làm được, chưa làm được sau 17 năm ở vùng Đồng bằng sông Hồng trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị. Qua đó, cần thay đổi nhận thức tư duy về vấn đề liên kết vùng, để liên kết vùng phải có sức nặng, hiệu quả mạnh mẽ hơn.

Chiều 19/7, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (Ban chỉ đạo 54) và Tỉnh ủy Bắc Ninh đã tổ chức Hội thảo Phát triển công nghiệp và đô thị vùng ĐBSH.

Phát triển nhanh, chưa bền vững

Chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết: Sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết 54 và 11 năm thực hiện Kết luận 13 của Bộ Chính trị, phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế; vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước được phát huy.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Duy Hưng cũng nhấn mạnh vấn đề phát triển vùng ĐBSH vẫn còn nhiều hạn chế, vấn đề phát sinh mới, nhất là bất cập về quy hoạch và quản lý quy hoạch.

"Gần đây, dư luận nhắc đến nhiều về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đường Lê Văn Lương là điển hình của việc quy hoạch bất cập. Quy hoạch bất cập, không đồng bộ hạ tầng dẫn đến tình trạng mưa to là ngập lụt, tắc đường…", lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương dẫn chứng.

bankt2-1658233297843729656556-1658277531.jpg
Hội thảo Phát triển công nghiệp và đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh: VGP/HT

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng khi tác động ngày càng lớn cần phải đánh giá lại những gì đã làm được, chưa làm được sau 17 năm qua ở vùng ĐBSH trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị. Đặc biệt, cần thay đổi nhận thức tư duy về vấn đề liên kết vùng có sức nặng, hiệu quả mạnh mẽ hơn.

Có cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong vấn đề phát triển hạ tầng vùng ĐBSH.

Theo Bộ Xây dựng, hệ thống hạ tầng đô thị của vùng còn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm sự kết nối giữa đô thị và vùng, nhất là về hạ tầng khung, tình trạng ngập úng vẫn còn, đặc biệt tại các đô thị lớn. Tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội chậm được giải quyết. Hạ tầng cấp thoát nước còn nhiều bất cập, chưa có giải pháp hữu hiệu.

Về phía Bộ Công Thương, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng cũng như kết nối các loại hình giao thông với nhau còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp nói riêng của Vùng.

Thể chế về liên kết vùng chưa hoàn thiện, còn thiếu cơ chế điều phối đủ mạnh, rõ ràng, phạm vi liên kết hiện đang chủ yếu tập trung theo mệnh lệnh hành chính, lợi ích liên kết chưa thực sự rõ ràng. Các hình thức liên kết trong sản xuất công nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu sự ràng buộc, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, phát triển các ngành chưa có sự liên kết theo từng khâu, đoạn sản xuất.

Tăng hiệu quả liên kết vùng

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận: Nghị quyết 54 rất coi trọng vấn đề liên kết vùng, tuy nhiên, thực tế hiện nay sự liên kết vẫn chưa hiệu quả, vẫn còn sự cạnh tranh lẫn nhau về đầu tư, thu hút lao động...cần có sự rà soát, thay đổi để phát triển bền vững. Do đó, để liên kết vùng tốt hơn phải sửa đổi hoàn thiện cả về thể chế.

"Vừa rồi đi làm cầu từ Quảng Ninh đi Hải Phòng, Hải Phòng có nhu cầu bức thiết hơn muốn bỏ giải phóng mặt bằng bên Quảng Ninh mới được nhưng theo luật Ngân sách nhà nước lại không cho phép. Hay tuyến đường Bắc Giang sang Sóc Sơn Hà Nội, nhưng Hà Nội không quy hoạch được, vì thế pháp luật là vấn đề...", ông Nguyễn Duy Hưng dẫn chứng.

Ông Hưng cũng dẫn câu nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi lâu dài phải đi cùng nhau", do đó, cốt lõi là phải có sự liên kết hiệu quả. Thủ tướng đã có quy hoạch tổng thể vùng ĐBSH, đây là điều kiện tốt giải quyết bài toán tổng thể liên kết vùng. Thực tế, hạ tầng ở khu vực ĐBSH tốt hơn nhiều khu vực khác, cộng với các lợi thế tự nhiên cần phải tận dụng để phát triển mạnh hơn, tạo bước đột phá. Do vậy, trên nền quy hoạch ĐBSH, cần bảo đảm nguyên tắc tích hợp từ dưới lên từ trên xuống, huy động nguồn lực các địa phương.

Về vấn đề thể chế vùng, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần tính toán kỹ trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp tổ chức tinh bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thu hút nguồn lực đầu tư. Bởi "giờ là lúc lựa chọn kỹ càng dự án đầu tư, không chạy theo số lượng, làm sao thu hút về mình tạo ra giá trị gia tăng cao nhất chứ không phải thâm dụng lao động, hay công nghệ thấp".

duyhungbankt-1658233365669666330429-1658277544.jpg
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Ảnh: VGP/HT

Về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: ĐBSH là một trong hai vùng kinh tế-xã hội thu hút được nhiều vốn FDI nhiều nhất tại Việt Nam. Vùng ĐBSCH nhiều năm qua luôn dẫn đầu về thu hút hút FDI, tính đến tháng 6/2022, đã thu hút được 11.871 dự án với vốn đầu tư 126,5 tỷ USD, tương ứng 32,75% số dự án và 30,1% của tổng vốn đầu tư của cả nước.

Với sự có mặt của nhiều Tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới hoạt động ở nhiều lĩnh vực như Samsung, LG, General Electric, Mitsubishi, Panasonic..., vùng ĐBSH từng bước tham gia mạng giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu thực hiện một số công đoạn sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghệ cao.

Mặc dù là vùng kinh tế thu hút được nhiều vốn đầu tư, song FDI vào vùng đồng bằng sông Hồng còn tồn tại một số hạn chế trong việc liên kết giữa các tỉnh, nguồn vốn đầu tư vẫn tập trung vào những thành phố lớn có thế mạnh thu hút FDI như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh; cơ cấu ngành kinh tế trong vùng chuyển dịch chậm.

Do đó, theo ông Phan Hữu Thắng: Cần khắc phục việc liên kết giữa các địa phương trong vùng. Cần có các chương trình, kế hoạch chung (liên quan đến xúc tiến đầu tư, ưu đãi trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, đầu tư kết cấu hạ tầng…). Cần có sự phối hợp quy hoạch các ngành kinh tế, sử dụng tài nguyên nước, các vùng chuyên canh (lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp, thủy sản…) giữa các địa phương để thu hút FDI hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao và các trung tâm công nghiệp lớn mang tính liên tỉnh. Cần tăng hiệu quả phối hợp, cạnh tranh lẫn nhau thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển tràn lan nhiều khu, cụm công nghiệp; các ngành nghề, sản phẩm trùng lắp giữa các địa phương,tạo bất lợi cho sự phát triển trong nội vùng, gây tổn thất chung cho nền kinh tế.

Đề xuất lập Hội đồng thực hiện mục tiêu phát triển vùng

Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ góp ý: "Sắp tới nên có Ban chỉ đạo, hay lập hội đồng vùng thực hiện mục tiêu phát triển vùng gồm lãnh đạo Trung ương các bộ và địa phương".

Hội đồng vùng, không phải cơ quan hành chính nhưng có trách nhiệm tư vấn, các nhà quản lý khoa học, đại diện tổ chức xã hội nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch hành động, lựa chọn các dự án đầu tư liên kết vùng, đề xuất các chính sách liên quan phát triển vùng, làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số...

Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành đô thị thông minh, đô thị lớn, đồng thời cùng với Vĩnh Phúc, Hà Nội là ba cực trong tam giác phát triển trong vùng Thủ đô, có sức cạnh tranh, phát triển kinh tế đô thị theo hướng công nghiệp công nghệ cao gắn với thương mại, du lịch và kinh tế tri thức.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung, rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch có tính chất chuyên ngành để điều chỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch điều chỉnh vùng Thủ đô, quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, với định hướng mang tính đột phá về ý tưởng, chiến lược và tầm nhìn quy hoạch, trong đó đặc biệt chú trọng đến quy hoạch dài hạn phát triển không gian ngầm, hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt trên cao kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.