Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng

Ngày 19/4, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 492/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

1-1650424587.png

Ảnh minh hoạ (Nguồn: L.Hà - Báo Lao động Thủ đô) 

Theo quyết định ban hành, phạm vi và ranh giới quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính đất liền và không gian biển của thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và 9 tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Phía Bắc, Đông Bắc và phía Tây, Tây Nam giáp vùng trung du và miền núi phía Bắc; Phía Nam giáp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ.

Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch về mặt không gian được mở rộng đến các khu vực có ảnh hưởng và tác động đến vùng đồng bằng sông Hồng về các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh, liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Chính phủ nhận định, quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng là công cụ quản lý của nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực quốc gia để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Nội dung chính của Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện theo quy định của Luật quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ.

Gồm phần tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; đánh giá tổng hợp điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng; dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển vùng các mặt kinh tế, xã hội và môi trường và tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển.

Chính phủ xây dựng mục tiêu tổng quát phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng cho thời kỳ đến năm 2030 và cho từng giai đoạn 5 năm.

Hội đồng quy hoạch Quốc gia chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng Đồng bằng sông Hồng thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch Đồng bằng sông Hồng.

Tạ Nhị (t/h)