Phục hồi rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng

Dự án "Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Hồng" được triển khai nhằm trồng mới 250 ha, phục hồi 80ha rừng ngập mặn khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) và khu vực huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Dự án do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc có tổng vốn đầu tư 4,392 triệu USD, tương đương 103,212 tỷ đồng. Trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc là 3,792 triệu USD, tương đương 89,112 tỷ đồng; vốn đối ứng của Việt Nam 600.000 USD, tương đương 14,1 tỷ đồng.

Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cũng như cải thiện sinh kế cho người dân.

Dự án sẽ được thực hiện tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trong thời gian 4 năm (2021-2024) nhằm phục hồi và quản lý bền vững 330ha rừng ngập mặn tại các khu vực này. Đồng thời triển khai một số hoạt động phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương thông qua phục hồi rừng ngập mặn và bảo vệ hệ sinh thái biển; Tăng cường năng lực cho các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả quản lý rừng.

rung-vuon-1652599180.jpg
Rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai. Ảnh: Lê Dũng 

Theo đó, Dự án sẽ thiết lập vườm ươm giống cây rừng ngập mặn tại huyện Kim Sơn; trồng mới, trồng bổ sung 330ha diện tích rừng ngập mặn; hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và phát triển du lịch sinh thái; hỗ trợ phát triển sinh kế; đào tạo, nâng cao năng lực, truyền thông và tham quan học tập; hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ rừng; nghiên cứu phát triển…

Theo Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích rừng ven biển Việt Nam hiện nay khoảng 454.000ha. Dù chỉ chiếm khoảng 3% tổng diện tích rừng quốc gia, rừng ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sóng, gió, hạn chế xói lở bờ biển, bảo vệ đê biển.

Thời gian qua, độ che phủ rừng của Việt Nam giữ ổn định khoảng 42%, nhưng rừng ven biển lại bị suy thoái. Rừng ngập mặn ở Việt Nam đã giảm gần một phần ba, từ 408.500ha năm 1943 xuống 270.000ha vào năm 2015.

giu-de-1652599216.jpg
Rừng ngập mặn tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình 

Ở nhiều nơi của Việt Nam, rừng ven biển đã bị chuyển đổi thành các hoạt động ngắn hạn sinh lời không bền vững. Động cơ phá rừng đến từ nuoo trồng thủy sản quy mô công nghiệp; thu hoạch lấy củi; phát triển cơ sở hạ tầng... làm thay đổi các điều kiện thủy văn cần thiết để duy trì các hệ thống rừng ngập mặn ven biển, trong khi công tác khôi phục rừng ngập mặn là vô cùng khó khăn và phức tạp.

Để phục hồi thành công và bền vững các khu rừng ngập mặn ven biển, Dự án sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: Hỗ trợ tài chính để phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn; đầu tư vào cơ chế quản lý hiệu quả hơn thông qua các hoạt động hỗ trợ nuôi trồng thủy hải sản bền vững gắn với rừng ngập mặn; đa dạng hóa các lợi ích lâu dài từ việc bảo vệ và duy trì rừng ngập mặn qua hỗ trợ sinh kế bền vững.