Vĩnh Long hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm

Tỉnh Vĩnh Long đang tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm hướng đến sản xuất, kinh doanh bền vững; mở rộng thị trường và phát triển các sản phẩm đạt chất lượng phục vụ xuất khẩu.

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tư vấn, hướng dẫn các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 20 doanh nghiệp; hỗ trợ 10 doanh nghiệp thiết kế mẫu mã, bao bì, đóng gói; hỗ trợ 20 doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước, xuất khẩu và 10 doanh nghiệp quảng bá thương hiệu.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng và phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm công nghiệp của địa phương, hướng tới tạo nên những thương hiệu mạnh cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh tham gia chương trình thương hiệu quốc gia. Tỉnh duy trì và phát huy hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, kênh phân phối từ sản xuất đến tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

images1706262-bvl-a-7-1638260976.jpg
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư nâng cấp đổi mới công nghệ, sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ 13 doanh nghiệp hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu và phát triển kinh doanh; xây dựng và đăng ký bảo hộ mới 27 nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể giúp các doanh nghiệp được bảo vệ bản quyền sản phẩm trên thị trường.

Một số thương hiệu tiêu biểu của tỉnh như: gạo Phước Thành IV, kẹo Sơn Hải, nước mắm Gia Hỷ và bún Ba Khánh, cơm sấy chà bông Nhật Quỳnh, trà khổ qua rừng Agripure,… bước đầu đạt được những thành quả nhất định, sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận và nâng cao vị thế trên thị trường. Đến nay, Vĩnh Long có 4 sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, 19 sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực và 91 sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh.

Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh hiện nay là dù có nhiều sản phẩm đạt chất lượng tốt, giá thành rẻ nhưng vẫn khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường trong nước và nước ngoài, do chưa có thương hiệu hoặc có thương hiệu nhưng chưa phải là thương hiệu mạnh. Nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long như: Khoai lang Bình Tân, gốm đỏ Vĩnh Long, bưởi 5 roi, cam sành Tam Bình… có thương hiệu nhưng chưa có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu, chưa đầu tư kinh phí để phát triển đúng mức nên giá trị sản phẩm và hiệu quả về kinh tế không cao.

Ngoài ra, phần lớn cơ sở, doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay hoặc nguồn vốn gia đình; chưa đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng hàng hóa còn hạn chế, thiếu sự quan tâm tới việc tiếp thị, nghiên cứu thị trường. Nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu./.