Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng nhân dân, Chính phủ ban hành Nghị quyết 145/NQ-CP ngày 19/11/2021 quyết nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Về chế độ đối với người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại các đơn vị, địa phương có số lượng nhiễm COVID-19 cao, Nghị quyết quy định chế độ phụ cấp chống dịch mức 450.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19, nghi nhiễm COVID-19 tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, trừ trường hợp: Người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế, theo dõi điều trị người nhiễm COVID-19 tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn (bao gồm cả các trạm, tổ y tế lưu động).
Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với người làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, bao gồm: Người làm công việc kiểm soát nhiễm khuẩn; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh, thu gom và xử lý dụng cụ sau khi sử dụng cho người nhiễm COVID-19; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, người nhiễm COVID-19; người thu gom chất thải, đồ vải, vỏ chai, lọ, hộp hóa chất, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế; người làm nhiệm vụ bảo vệ.
Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/người/ngày cũng được áp dụng đối với: Người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế, theo dõi điều trị người nhiễm COVID-19 tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn (bao gồm cả các trạm, tổ y tế lưu động); người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SARS-CoV-2; người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường để phục vụ cho phòng xét nghiệm SARS-CoV-2; người vận chuyển người nhiễm COVID-19, bệnh phẩm; người làm nhiệm vụ vận chuyển, bảo quản, xử lý các trường hợp tử vong nhiễm SARS-CoV-2...
Chế độ quy định trên được áp dụng đối với người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ ngày 1/8/2021 đến hết ngày 31/10/2021. Trường hợp đối tượng đã được nhận kinh phí hỗ trợ, nhưng với mức hỗ trợ thấp hơn mức hỗ trợ được quy định tại Nghị quyết này thì được truy lĩnh phần chênh lệch.
Tuần qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí (bao gồm cả các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2021) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tài chính để xem xét, ban hành theo thẩm quyền và quy định của pháp luật để tiếp tục hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.
Khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống COVID-19; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên; chủ động mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết 138/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021.
Về đề xuất tăng tần suất bay nội địa và mở chuyến bình thường từ tháng 12, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch hoạt động bay chở khách thường lệ nội địa.
Theo đó, trên cơ sở Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và tình hình khai thác thực tế vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tăng tần suất khai thác các đường bay, cho phép các hãng được cung cấp thêm dịch vụ trên chuyến bay trong giai đoạn từ nay tới cuối tháng 11. Từ tháng 12 tới, cho phép các hãng khai thác theo tần suất bình thường.
Cụ thể, trong tháng 11, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép tăng tần suất khai thác các đường bay trục Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội – Đà Nẵng, Đà Nẵng – Tp. Hồ Chí Minh lên tối đa 19 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay (bằng 30% tần suất khai thác khi chưa có dịch COVID-19). Trong số đó, phân bổ cho Vietnam Airlines và Vietjet Air mỗi hãng 6 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay; Bamboo Airways và Pacific Airlines mỗi hãng 3 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay; Vietravel Airlines 1 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị tăng tần suất các đường bay khác lên 9 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay, phân bổ cho Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines mỗi hãng 2 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay; Vietravel Airlines 1 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay. Từ tháng 12/2021, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất cho phép các hãng khai thác với tần suất bình thường theo cấp phép ở tất cả các đường bay.
Tại một số địa phương cũng đã có thông báo văn bản ứng phó trước diễn biến của dịch COVID-19, chẳng hạn tại Hải Phòng, từ ngày 15/11, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hải Phòng có Thông báo số 3818/SGTVT-QLVT về tạm dừng hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch từ thành phố Hải Phòng đến huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình và ngược lại cho đến khi có thông báo mới.
Còn tại Hưng Yên, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên đã có văn bản nhằm chấn chỉnh các đơn vị vẫn cho phương tiện kinh doanh vận tải khách trong thời gian phải tạm dừng hoạt động. Văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm Công điện của UBND tỉnh Hưng Yên về việc khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh COVID-19 và quán triệt đến toàn bộ lái xe của đơn vị không hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô dưới mọi hình thức./.