Kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong quý 3/2023 cho thấy xu hướng lợi nhuận suy giảm. Theo các chuyên gia, lợi nhuận trước thuế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của tăng trưởng tín dụng, áp lực chi phí vốn cao, chi phí dự phòng rủi ro tăng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Mặc dù tín dụng đã tăng nhanh hơn từ tháng 8 nhưng đà tăng của 9 tháng đầu năm 2023 thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,05% cùng kỳ năm ngoái.
Yếu tố kéo lợi nhuận của ngân hàng đi lùi chủ yếu đến từ chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng. Với tình hình biến động chung của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường trái phiếu, bất động sản, chứng khoán, nhiều doanh nghiệp, cá nhân gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nợ xấu, kéo theo chi phí trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng tăng.
Các chuyên gia dự báo nợ xấu có khả năng tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm do nhiều ngân hàng đang giãn nợ cho doanh nghiệp khiến nhiều khoản nợ chưa chuyển nhóm. Khi các nhóm nợ này chuyển về đúng trạng thái, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống sẽ tăng cao.
Không ngoại lệ, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 với tổng tài sản và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước. Một số điểm tích cực trong hoạt động của VietABank gồm: Huy động vốn, dư nợ, thu nhập từ lãi tín dụng đều tăng so với cùng kỳ 2022. Đặc biệt, thu nhập từ chứng khoán đầu tư (trái phiếu Chính phủ) của quý 3/2023 là 130 tỷ, tăng mạnh so với cùng kỳ.
Theo Báo cáo tài chính quý 3/2023 của VietABank, tổng tài sản đạt 104.024 tỷ đồng, giảm 1,07 % so với cuối năm 2022, đạt 92,3% kế hoạch. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 87.748 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cuối năm 2022, hoàn thành 107% kế hoạch năm 2023. Dư nợ tín dụng đạt 66.924 tỷ đồng (bao gồm cả dư nợ trái phiếu doanh nghiệp), tăng 6,57% so với cuối năm 2022, đạt 94% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 592,4 tỷ đồng.
Lý giải cho việc lợi nhuận không đạt như kỳ vọng, VietABank cho biết, chi phí huy động vốn ở các kỳ hạn dài từ quý 3/2022 dẫn đến giá vốn tăng 815 tỷ đồng, tăng 76,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi suất cho vay tiếp tục giảm đồng thời ngân hàng thực hiện miễn, giảm lãi suất, chủ động cắt giảm thu nhập để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn giúp hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế khiến thu nhập lãi thuần không tăng trưởng như kỳ vọng. Bên cạnh đó, việc tăng chi phí dự phòng rủi ro cũng là một trong những yếu tố làm giảm lợi nhuận.
Tại thời điểm 30/09/2023, tỷ lệ nợ xấu của VietABank là 1,69%, dưới mức 3% theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 30/9/2023, VietABank duy trì thanh khoản ổn định và an toàn, cao hơn mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước với tỷ lệ dự trữ 13,38%, tỷ lệ khả năng chi trả VND (30 ngày) là 195,59%, tỷ lệ khả năng chi trả ngoại tệ (30 ngày) là 18,32%.
Ngân hàng đã hoàn thiện Quy trình tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Nhằm đảm bảo hệ số CAR tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, VietABank cũng chủ động quản lý tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở triển khai các biện pháp kiểm soát quy mô tài sản có rủi ro cao, xây dựng các giải pháp tăng vốn phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh và chiến lược phát triển từng giai đoạn. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietABank trên 9%, tương đương với mức bình quân của ngành ngân hàng.
Ngoài việc tập trung phát triển kinh doanh, ngân hàng cũng tập trung đầu tư phát triển hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại với việc chính thức vận hành hệ thống ngân hàng lõi mới (Core Banking) theo phiên bản tiên tiến nhất của Oracle nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đáp ứng yêu cầu về quản trị hệ thống trong giai đoạn mới. VietABank cũng là một trong số những ngân hàng đầu tiên “trình làng” thẻ tín dụng nội địa được sử dụng tại Việt Nam và một số quốc gia liên minh của Napas nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu trước, trả tiền sau.