Tạm sử dụng rừng để thực hiện dự án trọng điểm quốc gia: Đề xuất đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt

Nghe đọc bài
0:00
  • Giọng mặc định
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang dự thảo bổ sung một số quy định tạm sử dụng rừng vào phục vụ thi công các dự án giao thông, đường sắt trọng điểm. Đây là một đề xuất đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt, nhằm tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ của các dự án trọng điểm quốc gia.
duong-sat-bac-nam-1744550759318-1744550759439253965053-1744719007.webp
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: AI

Không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa công bố Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/20218 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; trong đó đề cập đến một số nội dung quan trọng như bổ sung việc tạm sử dụng rừng để xây dựng công trình tạm phục vụ thi công các dự án đường giao thông, đường sắt để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, công trình tạm là các hạng mục cần thiết, cấp thiết để thực hiện các dự án đường giao thông, đường sắt (như đường vận chuyển trang thiết bị, vật liệu xây dựng, lắp đường ray)…

Do đó, tạm sử dụng rừng để thi công các dự án đường giao thông, đường sắt có ý nghĩa và tác động tích cực đến tiến độ thực hiện và hiệu quả thực hiện dự án; đặc biệt là các dự án như: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hai dự án quan trọng trên đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và cho phép áp dụng nhiều chính sách đặc thù, bao gồm việc tạm sử dụng rừng để thi công công trình tạm phục vụ dự án.

33046816-10-duong-satagld-1731921104464596751244-1744719085.jpg
Tạm sử dụng rừng để xây dựng công trình tạm phục vụ thi công những dự án đường giao thông và đường sắt để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia. (Ảnh minh hoạ)

Dự thảo Nghị định cũng chỉ rõ, việc bổ sung quy định tạm sử dụng rừng để xây dựng công trình tạm phục vụ thi công các dự án đường giao thông, đường sắt trên xuất phát từ nhu cầu thực cấp thiết phát sinh trong thực tiễn - khi các dự án chỉ có nhu cầu tạm sử dụng diện tích rừng trong quá trình thi công mà không chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Sau khi hoàn thành, diện tích này sẽ được hoàn trả, môi trường được phục hồi, rừng được trồng lại và bàn giao cho chủ rừng.

Quy định chưa từng có trước đây

Theo cơ quan soạn thảo dự thảo nghị định trên, nội dung tạm sử dụng rừng đã được quy định tại Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 6/3/2024 của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trên thực tế, hiện nay, Nghị định số 27/2024/NĐ-CP cũng chưa có quy định về đối tượng tạm sử dụng rừng cho các dự án “Đường giao thông, đường sắt” trọng điểm quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

“Xuất phát từ những lý do nêu trên, để đảm bảo tiến độ xây dựng 2 dự án đường sắt cấp thiết quan trọng quốc gia trên, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của Chính phủ để bổ sung quy định về đối tượng được tạm sử dụng rừng để phục vụ thi công các dự án đường giao thông và đường sắt là rất cần thiết,” đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh.

Về đánh giá tác động đối với đối tượng chịu tác động được quy định trong dự thảo Nghị định, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, theo báo cáo của 39 địa phương báo cáo về kết quả tạm sử dụng rừng theo quy định tại Nghị định số 27/2024/NĐ-CP, có 37/39 tỉnh không có dự án tạm sử dụng rừng. Trong khi đó, tại 2/39 tỉnh còn lại, có 4 dự án đề nghị phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng và đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt để thực hiện dự án đường dây điện.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất tên nghị định đang dự thảo là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp để thay thế Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của Chính phủ.

Theo lý giải của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của Chính phủ đã là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Do đó, lấy tên Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đảm bảo thuận lợi cho việc tra cứu, dẫn chiếu, tinh gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Trần Huyền