Vì sao tín dụng cho doanh nghiệp nông sản Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó?

Nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực tài chính, năng lực quản trị còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch dẫn đến không đáp ứng đủ những điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng.
ba-ha-thu-giang-1694768956.jpg
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước.

Thông tin tại Hội nghị về đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức sáng nay (15/8), bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn có dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản – là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%); dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc.

“Qua theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng đối với 2 ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yếu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện”, bà Giang cho biết.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, có một thực tế rằng việc đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp là ngành thế mạnh của vùng vẫn còn thấp, trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới, sự liên kết hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế và phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi các đợt nước biển dâng, xâm nhập mặn và mưa lũ, sạt lở đất.

Thứ hai, nguy cơ đứt gẫy chuỗi giá trị sản xuất - thu mua - chế biến - xuất khẩu các mặt hàng nông sản luôn tiềm ẩn và gây rủi ro ách tắc, tồn ứ nông sản trong lưu thông.

Thứ ba, vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thứ tư, chính sách về liên kết vùng, khuyến khích hợp tác công - tư, chính sách phát triển doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai song chưa đạt như kỳ vọng.

Thứ năm, nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực tài chính, năng lực quản trị còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch dẫn đến không đáp ứng đủ những điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng.

Thứ sáu, bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường, gia tăng áp lực lạm phát, tỷ giá, giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào, xăng dầu leo thang; cầu tiêu dùng thế giới giảm, thị trường tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp; thị trường mới thiếu ổn định gây khó khăn hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công.

Từ tình hình thực tế nêu trên, để góp phần đẩy mạnh sản xuất, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của khu vực ĐBSCL, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, bà Giang cho biết, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của từng địa phương và cả vùng ĐBSCL. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu).

Bên cạnh đó, xác định nông nghiệp, nông thôn nói chung và lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, chế biến, thu mua, tiêu thụ xuất khẩu lúa gạo, thủy sản nói riêng vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên và ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn để đầu tư; hướng dòng vốn tín dụng vào các chương trình tín dụng xanh, tín dụng phục vụ xuất khẩu, tín dụng theo các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu, bền vững. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung; Chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP; Chương trình tín dụng 15 nghìn tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản;...

Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.

Tiếp tục mở rộng và thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước để tạo sinh kế, từng bước nâng cao đời sống của người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện các mục tiêu tại các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021- 2025.

Trần Thúy