Vẫn còn nhiều nan giải trong việc xử lý rơm rạ nhằm giảm phát thải khí nhà kính

Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị của rơm rạ được đánh giá là phù hợp và hiệu quả nhất trong việc giảm phát thải khí nhà kính mà còn có thể gia tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, để xử lý rơm rạ vẫn là vấn đề nan giải không chỉ đối với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo ở Đông Nam Á.
dot-rom-ra-1-2-16853469937836828330820241010122947-1731066699.jpg
Để xử lý rơm rạ vẫn là vấn đề nan giải không chỉ đối với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo ở Đông Nam Á. (Ảnh minh họa)

Theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ và “Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu”, mục tiêu giảm phát thải khí metan đến năm 2030 của Việt Nam là giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tổng lượng khí metan phát thải năm 2020 tại Việt Nam là 111,3 triệu tấn. Năm 2022, Việt Nam tham gia “Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu” với mục tiêu giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Cũng theo thống kê, chỉ riêng nguồn phát thải khí metan trong lĩnh vực hoạt động canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (AFOLU) đã chiếm đến 57% tổng lượng phát thải của Việt Nam. Con số này cho thấy việc xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp đang là một thách thức lớn.

Tại hội thảo “Tăng cường năng lực sản xuất lúa phát thải thấp và bền vững ở Đông Nam Á” được tổ chức ở thành phố Cần Thơ mới đây, ông Dyna Theng đến từ Đại học nông nghiệp hoàng gia Campuchia cho biết, quốc gia này có khoảng 3,5 triệu héc ta diện tích sản xuất lúa mỗi năm (sản xuất 2 đến 3 vụ/năm, tuỳ khu vực), khối lượng rơm phát sinh khoảng 10 triệu tấn.

Theo ông, có khoảng 55% lượng rơm phát sinh được thu gom đưa ra khỏi đồng ruộng, trong khi 45% còn lại được nông dân đốt bỏ hoặc để phân huỷ tự nhiên ngay trên đồng ruộng. Ở Campuchia, rơm rạ được sử dụng cho một số mục đích như ủ chua làm thức ăn cho gia súc, trồng nấm hoặc đậy liếp trồng cây. Một số doanh nghiệp, hiệp hội hoặc hợp tác xã nông nghiệp ở Campuchia cũng đã tận dụng rơm để sản xuất phân bón hữu cơ. Một số ít khác được thu gom bán cho Việt Nam.

Là một trong những quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới hiện nay, Indonesia có diện tích sản xuất lúa hàng năm đạt trên 10 triệu héc ta. Sản lượng rơm rạ phát sinh khoảng 75-90 triệu tấn, tuỳ thuộc loại lúa được trồng và mùa vụ.

Bà Gagad Restu Pratiwi đến từ Cơ quan nghiên cứu và đổi mới quốc gia Indonesia cho biết, năm 2009, quốc gia này đã ban hành Luật bảo vệ đất nông nghiệp. Trong đó, có quy định nông dân không được đốt rơm rạ nhưng nông dân vẫn đốt rơm mà chính quyền không xử lý được.

Theo bà, đốt rơm rạ vẫn là hình thức phổ biến ở quốc gia này, bởi đây là cách xử lý “nhanh, gọn, lẹ”. Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân gây nguy hại cho môi trường lẫn sức khoẻ của người dân bởi làm phát sinh một lượng lớn khí nhà kính.

Một điều tra của Đại học Cần Thơ chỉ ra rằng, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 26-27 triệu tấn rơm phát sinh hàng năm từ hoạt động sản xuất lúa, trong đó còn đến 70% được xử lý bằng cách… đốt bỏ. Khoảng 30% được thu gom tái sử dụng, được chia ra theo các mục đích sử dụng như dùng trồng nấm (30%), dùng phủ gốc cây trồng và đệm lót sinh học (35%), phục vụ cho chăn nuôi (25%) và cho một số mục đích khác.

8-1-1731066699.jpg
Xử lý rơm rạ không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn có thể gia tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh minh họa

Đưa rơm ra khỏi đồng ruộng để xử lý thành phân bón hữu cơ là một trong những hướng đi lý tưởng nhưng muốn thành công cần có chính sách, giải pháp cụ thể trên diện rộng. Đã có doanh nghiệp xử lý rơm bằng vi sinh thành phân bón để bón lại đồng ruộng nhưng với khối lượng hàng chục triệu tấn như của Việt Nam hay 70-80 triệu tấn của Indonesia là vấn đề nan giải.

Bà Gagad Restu Pratiwi cho rằng, việc thiếu lao động, cơ sở hạ tầng đang là thách thức rất lớn trong giải quyết rơm rạ ở Indonesia.

Ông Dyna Theng từ Campuchia cũng đánh giá, thực trạng hiện nay thiếu giải pháp, kinh nghiệm để tăng giá trị của rơm. Cùng với đó, chi phí lao động quá cao là trở ngại khá lớn trong mục tiêu đưa rơm ra khỏi đồng ruộng ở quốc gia này. “Thậm chí, khi rơm đã được thu gom thì vấn đề về kho chứa cũng là thách thức, nhất là trong mùa mưa”, ông giải thích và cho rằng, nông dân Campuchia tiếp tục loay hoay với cách xử lý truyền thống là cho trầu bò ăn hoặc phủ liếp trồng cây.

Từ vấn đề nêu trên, ông đề xuất, cần cải tiến về công nghệ, tạo ra giá trị đột phá khác biệt cho rơm rạ để thu hút sự tham gia của người dân. Có thể tận dụng rơm rạ sản xuất giấy, bao bì sinh học hoặc một số sản phẩm khác như khay, chậu trồng rau…

Còn Theo bà Deng Wen-Ling đến từ Đại học Chung Hsing Đài Loan, nghiên cứu để có giải pháp tiềm năng trong xử lý rơm là cần thiết để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính.

Kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy, thông qua sử dụng các enzym TTT, rơm rạ được phân huỷ thành phân hữu cơ. Ưu điểm của công nghệ này là thời gian xử lý ngắn, tốc độ luân chuyển nhanh, bà cho biết và thông tin thêm, mầm bệnh sẽ được tiêu diệt ở nhiệt độ 80°C trong 30 phút.

Đặc biệt, kết quả ứng dụng cho thấy, đất được bón phân hữu cơ sản xuất từ công nghệ TTT giúp tăng độ phì và sản lượng cây trồng đáng kể. Đây là giải pháp hứa hẹn giúp xử triệt để rơm rạ, mang đến sự an toàn trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam). Hằng năm, Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa, xấp xỉ 43 triệu tấn rơm. Riêng đối với Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, mỗi năm có khoảng 24 triệu tấn rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Vì vậy, sử dụng nguồn rơm này như thế nào là điều cần phải quan tâm.

"Ở Việt Nam, việc quản lý rơm rạ gặp nhiều trở ngại từ người nông dân sản xuất lúa, hợp tác xã, chính sách, tổ chức sản xuất... Ngoài xử lý rơm rạ bằng yếu tố kỹ thuật để mang lại hiệu quả thì cũng cần sự tham gia của chính phủ, doanh nghiệp để xử lý hiệu quả rơm rạ", ông Lê Thanh Tùng nhận định./.

Hương Lan