Hà Tĩnh:

Nông dân dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ làm sạch đồng, xanh cây

Những năm qua, sau mỗi vụ thu hoạch, rơm rạ một phần được bà con thu gom về phục vụ chăn nuôi và trồng trọt. Phần nhiều được để ngoài đồng sau đó người dân đốt để sản xuất vụ sau. Nhưng thời gian gân đây, rơm rạ được người dân thu gom và dùng chế phẩm sinh học để xử lý. Một giải pháp vừa giúp người nông dân giảm chi phí phân bón vừa bảo vệ môi trường.
z5450964544052-fd55a24728b9d2a5a76e1c67b2d15467-1716422055.jpg
Hướng dẫn người dân dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Thay đổi thói quen đốt rơm rạ

Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, trên nhiều cánh đồng ở Hà Tĩnh là hình ảnh khói bụi mù mịt từ việc đốt rơm, rạ của bà con nông dân. Không những gây ô nhiễm môi trường mà các chất hữu cơ có trong rơm rạ trong quá trình đốt sẽ biến thành các chất vô cơ làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng; gây mất cân bằng hệ sinh thái...

z5465236210439-302f9bf0456afc07541668ab3ea58725-1716422068.jpg
Sau mỗi vụ thu hoạch, người dân đốt rơm rạ trên ruộng.

Những ngày này, trên nhiều cánh đồng tại Hà Tĩnh, người nông dân đang tập trung thu hoạch lúa Xuân, và làm ruộng để gấp rút chuẩn bị sản xuất vụ Hè Thu.

Vừa đốt rơm để cho nước vào làm ruộng, ông Nguyễn Văn Thanh (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Nhà tôi làm hơn một mẫu ruộng, nhưng nhà lại chăn nuôi có một con bò nên lượng rơm sau khi thu hoạch không sử dụng hết. Hơn nữa thu gom rơm cũng rất mất công nên tôi thường đốt cho nhanh.

Hiện nay, theo thống kê toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thu hoạch được gần 36.000ha lúa Xuân, đạt khoảng 60% diện tích. Các huyện dẫn đầu như: Can Lộc (hơn 6.000ha), Đức Thọ (5.000ha), Nghi Xuân (3.000ha)… và đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa Xuân.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh cho biết, các địa phương cần đốc thúc bà con nông dân huy động tối đa nhân lực, máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Xuân. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, tận dụng các điều kiện để tập trung phơi, sấy, chống thất thoát sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng lúa gạo.

z5434831896325-5c6868209ca9706471d246fbcf050e7d-1716422078.jpg
Một số ít được thu gom về phục vụ chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đưa ra giải pháp, về việc xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch nhằm hạn chế khói bụi, gây ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí tài nguyên. Thực hiện theo hướng dẫn, Hội Nông dân các cấp tại Hà Tĩnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sử dụng chế phẩm để xử lý thành phân bón, góp phần giảm chi phí sản xuất; nâng cao trách nhiệm của nông dân trong bảo vệ môi trường nông thôn.

Dùng chế phẩm sinh học, lợi ích kép.

z5450964665248-70184ec857f4f61bf5079596886df2ec-1716422092.jpg
Chế phẩm sinh học được dùng trực tiếp tại ruộng để xử lý rơm, rạ.

Đối với các vùng nông thôn, tình trạng đốt, xả rác rơm rạ sau thu hoạch gây khói bụi, ô nhiễm, cản trở giao thông... đã trở thanh nỗi ám ảnh của nhiều người. Để giải quyết thực trạng đó, Hà Tĩnh đã trienr khai hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý, giúp giảm chi phí, tạo ra nhiều lợi ịch. Việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, gốc rạ giúp bà con nông dân tạo nguồn phân hữu cơ tại chỗ, phát triển nông nghiệp bền vững.

Những ngày qua, Hội Nông dân huyện Đức Thọ đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung Tâm ứng dụng và Chuyển giao Khoa học Kỹ thuật huyện đã chủ động tổ chức hướng dẫn bà còn sử dụng chế phẩm sinh học vi sinh để xử lý rơm, rạ tại các chân ruộng. Theo các chuyên gia phân tích, cách làm này sẽ làm cho rơm, rạ phân hủy nhanh thành các chất dễ hấp thụ cho cây lúa, tạo độ tơi xốp cho đất, cây trồng vụ tiếp theo dễ hấp thụ ôxy.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ sau thu hoạch hiện đã được thực hiện không chỉ tại Đức Thọ mà các huyện như Can Lộc, Hương Khê, Kỳ Anh, Nghi Xuân… của tỉnh Hà Tĩnh cũng đã áp dụng, giúp bà con thuận tiện hơn trong quá trình sản xuất, tạo nguồn phân hữu cơ tại chỗ, đồng thời chế phẩm còn bổ sung vi sinh vật có lợi cho đất, hạ phèn và giải độc hữu hiệu. Mặt khác, sử dụng chế phẩm để xử lý còn góp phần khắc phục tình trạng đốt chân rơm gây ô nhiễm môi trường - Một trong những vấn đề khiến dư luận bất bình mỗi khi bước vào cao điểm mùa thu hoạch lúa.

z5450964753184-791207fb618c3e83af4c28ce59901395-1716422102.jpg
Cán bộ hội Nông dân và Trung tâm ứng dụng KHKT & BVCTVN huyện Đức Thọ hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ sau thu hoạch.

Việc xử lý được thực hiện theo 2 phương pháp cơ bản: Sử dụng 1 - 3kg chế phẩm Lacto Powder T rải đều lên mặt ruộng (có thể sử dụng thêm đất, cát để dễ dàng trộn đều chế phẩm và tiện sử dụng), sau đó cho máy cày phay đất, đập dập gốc rạ và giữ nước tại chân ruộng từ 3 - 5 cm từ 5 - 7 ngày rồi tiến hành bừa và gieo cấy. Trong quá trình ủ đất, chế phẩm sinh học Lacto Powder T sẽ sản sinh ra các vi sinh vật phân giải xenlulo để nhanh chóng làm phân hủy rơm, gốc rạ, cỏ dại còn sót lại trên mặt ruộng.

Phương án 2, bà con có thể xử lý rơm thành phân hữu cơ ngay tại nhà bằng việc rắc một lớp chế phẩm vừa đủ rồi tưới một lượng nước vừa phải để tăng độ ẩm, tạo điều kiện cho vi sinh phát triển. Rơm sẽ phân hủy và chuyển hóa thành phân hữu cơ.

Chị Nguyễn Thị Đào, thôn Long Sơn, xã Tân Dân cho biết: Những vụ trước, sau khi thu hoạch xong gia đình tôi phải mất công thu dọn gốc rạ để phơi khô và đốt ngay tại ruộng, vừa mất thời gian vừa gây ra khói bụi làm ô nhiễm môi trường.

Nay được địa phương và Phòng NN&PTNT, Hội Nông dân huyện trực tiếp xuống tuyên truyền, gia đình tôi sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, gốc rạ trên 1 mẫu ruộng. Bước đầu, tôi thấy quy trình đơn giản, dễ làm và đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt, cách làm này sẽ tạo sự tơi xốp, cải tạo đất cho vụ sản xuất sau.

Trao đổi với Phóng viên, ông Ngô Ngọc Hân - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Thọ cho biết: Vụ Hè Thu 2024, Hội phối hợp triển khai thí điểm tại 10 ha ở 5 xã: Tân Dân, Bùi La Nhân, Lâm Trung Thủy, An Dũng và Yên Hồ. Thời gian đầu, người dân còn bỡ ngỡ nhưng chúng tôi tin rằng hiệu quả sẽ khuyến khích người nông dân tự giác sử dụng.

z5450964717043-c71f9c5697dd83fb756df0612c320a98-1716422564.jpg
Sau khi dùng chế phẩm sinh học, người dân dùng máy làm đất.

Ông Bùi Xuân Linh - Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân cho biết: Tại xã Bùi La Nhân, chuẩn bị bước vào vụ hè thu 2024, xã thí điểm sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, gốc rạ, cỏ dại tại 3 ha. Đây là lần đầu tiên xã đưa chế phẩm sinh học vào việc xử lý rơm, gốc rạ và cỏ dại trên đồng ruộng. Với những tính năng ưu việt, bà con rất đồng tình, ủng hộ. Chúng tôi sẽ theo dõi, đánh giá sát thực tế để tiếp tục tuyên truyền và vận động bà con sử dụng đại trà ở những vụ tiếp theo.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, gốc rạ giúp bà con thuận tiện hơn trong quá trình sản xuất, tạo nguồn phân hữu cơ tại chỗ; bổ sung vi sinh vật có lợi cho đất, hạ phèn và giải độc hữu cơ tại các chân ruộng do quá trình sản xuất người dân sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, gốc rạ còn góp phần khắc phục tình trạng đốt rơm, gốc rạ trên các chân ruộng gây ô nhiễm môi trường và khói bụi./.

Nguyễn Duyên