Trồng sâm Bố Chính, hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế tại Hà Tĩnh

Những năm gần đây, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số địa phương tại Hà Tĩnh, người dân tiến hành đưa vào trồng thử nghiêm cây sâm Bố Chính nhằm thay thế các cây trồng kém hiệu quả. Quá trình trồng cây Sâm khá phù hợp và thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Cây Sâm cho sản lượng 250 - 350 kg củ/sào, mang lại thu nhập khá cho người trồng.
450284380-1237273820605303-8440115540581277398-n-1724062479.jpg
Trồng sâm Bố Chính, hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế.

Hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng

Sâm Bố Chính là cây thảo dược quý, được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc của y học cổ truyền như chữa suy nhược cơ thể, mất ngủ, suy dinh dưỡng, rối loạn kinh nguyệt, lao phổi ở trẻ em, hen suyễn, ho, sốt, thiếu máu, trầm cảm, ra nhiều mồ hôi, động kinh, tiêu hóa trì trệ, suy giảm sinh lý,… Sau khi cây ra hoa, đậu quả, phần hạt được thu hoạch để làm giống; các thành phần khác của cây sâm như hoa, lá, đều được tận dụng phơi khô chế biến thành trà, làm nước uống. Còn phần củ sâm được dùng để bào chế thảo dược chữa bệnh. Theo các nhà khoa học, sâm Bố Chính có dược tính rất cao, được cho là tương đương nhân sâm Hàn Quốc, chỉ thua sâm Ngọc Linh. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ sâm Bố Chính khá lớn.

z5743539031735-dc9cd1114e4a0468dd5dc1a5135df186-1724062378.jpg
Cây sâm Bố Chính phát triển tại vùng chảo lửa huyện Hương Khê.

Những năm qua, trong quá trỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ dân đã trồng thử nghiệm và thành công bởi cây sâm Bố Chính. Anh Phan Văn Sáng (thôn Phú Hòa, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) là người đầu tiên đưa cây sâm Bố Chính về trồng thử nghiệm tại tỉnh Hà Tĩnh, qua quá trình trồng và chăm sóc, cây sâm Bố Chính sinh trưởng và phát triển tốt.

Trao đổi với phóng viên, anh Phan Văn Sáng, cho biết: Trong một lần đến nhà bạn chơi tôi được thưởng thức rượu ngâm từ củ sâm Bố Chính. Tôi đã tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, tác dụng, giá cả và hiệu quả kinh tế từ loài cây dược liệu này. Sau đó về nhà suy nghĩ và tìm hiểu thêm tôi quyết định trồng thử nghiệm loại cây này.

Năm 2019, tôi xin vào làm việc tại vùng trồng sâm Bố Chính ở tỉnh Quảng Bình. Sau 1 năm làm việc tại đây, khi đã nắm được kỹ thuật thì tôi quyết định đưa giống sâm Bố Chính về gieo trồng trên đất địa phương. Đến nay, tôi đã trồng cây sâm Bố Chính được 5 năm và thấy loại cây này hiệu quả hoen hẳn so với những loại cây truyền thống tại địa phương.

Anh Sáng còn chia sẻ thêm về kinh nghiệm trồng cây sâm: Cây Sâm Bố Chính có thể thu hoạch cả củ, thân, hoa, hạt… nhưng hiện tại tôi chỉ mới thu hoạch củ và hạt. Theo đúng kỹ thuật thì sau 1 năm trồng sẽ thu hoạch củ, còn hạt sau 2 năm mới đảm bảo chất lượng. Trong thực tế, cây sâm Bố Chính trồng khoảng 3 tháng đã ra hoa cho hạt; được 6 - 7 tháng cây sâm sẽ có một đợt rụng lá, nếu khi lá rụng xuống không biết cách xử lý làm lá bị thối sẽ dễ gây thối lây cả thân lẫn củ.

Khi xảy ra hiện tượng này nếu không xử lý được thì phải kịp thời thu hoạch củ. Thời gian thu hoạch quyết định nhiều đến chất lượng và giá cả củ và hạt. Tùy vào thời gian trồng, quá trình chăm sóc, chất đất, chất lượng giống …mà khi thu hoạch củ có nhiều kích cỡ khác nhau. Tuy nhiên, bà con cần mua ở địa điểm tin cậy để đảm bảo tỷ lệ nảy mầm, chất lượng cây giống từ đó giúp cây sâm phát triển tốt, cho sản phẩm đầu ra (củ, hạt, …) và hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua, đã có khá nhiều hộ dân đến tham quan, học tập kỹ thuật, kinh nghiệm trồng cây sâm Bố Chính của anh Sáng và đã được anh chia sẽ và hỗ trợ, giúp đỡ.

z5695344906343-b73617c19c17930a372e09406ca45960-1724062422.jpg
Người dân huyện Cẩm Xuyên trồng sâm Bố Chính.

Là người học tập từ mô hình anh Sáng, anh Lê Ngọc Tin (xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên) cũng đã trồng thành công và nhân rộng mô hình này ở huyện Cẩm Xuyên. Sau khi tìm hiểu mô hình sâm Bố Chính tại huyện Hương Khê và được anh Sáng cùng đồng hành, năm 2023, anh Tin đã tự tin trồng thử nghiệm 1.000m2 tại vùng đất đồi của xã Cẩm Thịnh.

Theo chia sẻ của anh Tin: Việc sản xuất cây sâm Bố Chính không quá khó, với  các công đoạn như: chuẩn bị đất, bón phân, lên luống, xuống giống, phủ gốc, giữ ẩm cho đất (tốt nhất nên lắp đặt hệ thống tưới nước tự động), chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh, đào củ,… Trong đó, lựa chọn vùng sản xuất là yêu cầu quan trọng tiên quyết nhằm đạt năng suất cao. Nên chọn vùng đất thoát nước tốt, không đọng nước mùa đông và mùa hè phải có nguồn nước tưới đảm bảo. Nhờ có anh Sáng cầm tay chỉ việc, cung cấp hạt giống đảm bảo chất lượng nên 2 năm qua mô hình của gia đình không những phát triển tốt mà diện tích được mở rộng ra 1.500m2.

Mang lại hiệu quả kinh tế

Theo tính toán của các hộ trồng cây sâm Bố Chính, mỗi sào trồng sâm Bố Chính cho sản lượng 250 - 350 kg củ/sào, trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 25 - 30 triệu đồng.

450336879-449560621334720-78807453316589750-n-1724062479.jpg
Sau thời gian trồng, cây sâm Bố Chính đã khẳng định được hiệu quả kinh tế.

Anh Sáng bật mí: Hiện nay, để đảm bảo sản phẩm cung cấp thường xuyên cho các đầu mối, mỗi năm anh Sáng trồng 2 - 3 vụ, mỗi vụ 2 - 3 sào. Sau khi trừ tất cả các chi phí, thì 1 sào mang lại cho gia đình khoảng lợi nhuận là 25 - 30 triệu đồng. Thường từ 2 -10 củ/kg, tôi bán với giá từ 200.000 - 500.000 đồng/kg. Đối với hạt giống năm 2023, tôi thu và bán được 17 kg hạt giống với giá 6 triệu đồng/kg. Trên thị trường có nơi bán giá hạt giống chỉ 2 triệu đồng/kg.

Tại thôn Phúc Thanh, xã Thạch Khê, được sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật của Sở Khoa học và Công nghệ, anh Phan Nhân Trí - Giám đốc Công ty STC đã mạnh dạn tham gia dự án trồng sâm Bố Chính. Đầu năm 2024, trên diện tích 1 ha đất màu bỏ hoang của gần 20 hộ dân, anh Trí đã xuống lứa giống đầu tiên. Đến nay, lứa giống này đã cho thu hoạch, dự kiến đạt khoảng 4 tấn củ với cỡ 7 - 10 củ/kg, lợi nhuận đạt thu về trên 500 triệu đồng/ha. Sản phẩm củ sâm Bố Chính của dự án đảm bảo an toàn cho người dùng nhờ áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt - GAP, đồng thời kết hợp ứng dụng công nghệ tưới tự động, sử dụng phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học. Dự án cũng đã hỗ trợ giúp anh ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp & Dược liệu S555 từ khâu mua hạt giống để ươm cây con đến hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

449842232-1237273793938639-2992866830258154364-n-1724062479.jpg

Mỗi sào trồng sâm Bố Chính mang lại thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng.

Anh Phan Nhân Trí cho hay:  Dự án được thực hiện với mục tiêu là để đánh giá bài bản tính thích nghi, tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế của cây Sâm Bố Chính tại địa phương. Từ đó, đưa ra phương án nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh, tạo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn tại các địa phương có diện tích đất canh tác lớn, đồng thời phát triển thành điểm đầu mối liên kết cung cấp giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ đã và đang có ý định trồng và nhân rộng mô hình trồng sâm Bố Chính trên địa bàn toàn tỉnh. Với kết quả của vụ đầu thắng lợi, sẽ tạo đà cho việc thực hiện các vụ tiếp theo và hoàn thành mục tiêu dự án đặt ra.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nhiều địa phương có quỹ đất sản xuất nông nghiệp nhiều nhưng phát triển chưa có hiệu quả, một số diện tích bị bỏ hoang. Việc tìm kiếm, chuyển đổi cây trồng mới để tăng giá trị trên cùng một diện tích đất đang là chủ trương, hướng đi đúng đắn và lâu dài cho nhiều địa phương. Sâm Bố Chính bước đầu đã khẳng định là cây trồng chuyển đổi phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau, mang lại hiệu quả kinh tế cho các nông dân mạnh dạn thử nghiệm, có triển vọng để phát triển ra diện rộng trong thời gian tới./.

Nguyễn Duyên