Tin vắn kinh tế

Australia

Ngày 6/2, Thủ tướng Australia (Ôx-trây-li-a) Scott Morrison cho biết sẽ sớm mở cửa trở lại biên giới của nước này để đón khách du lịch quốc tế, đồng thời nói thêm rằng quốc hội trong tuần sẽ bàn thảo về vấn đề này. Ông Morrison nói: "Chúng tôi rất mong có thể đưa ra quyết định mở cửa biên giới và chào đón du khách quay trở lại Australia ngay khi đất nước có thể đạt được trạng thái an toàn. Nhưng tôi thực sự tin rằng điều đó không còn xa". Australia đã đóng cửa biên giới hồi tháng 3/2020. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây nước này đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại một cách thận trọng.

australiaday-160376896470135335943-1644193730.jpeg
Ảnh minh hoạ

Peru

Ngày 5/2, Cơ quan quản lý môi trường Peru đã đồng ý cấp phép cho công ty Repsol nối lại các hoạt động khai thác dầu khí tại một nhà máy lọc dầu ở bờ biển Thái Bình Dương của nước này trong thời gian 10 ngày nhằm bảo đảm việc cung cấp dầu thô cho thị trường. Trước đó, hoạt động của nhà máy lọc dầu La Pampilla đã buộc phải tạm dừng sau sự cố tràn hơn 10.000 thùng dầu ra biển hồi giữa tháng 1/2022, được coi là thảm họa môi trường lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây tại Peru. 

Bolivia

Tổng thống Bolivia (Bô-li-vi-a) Luis Arce ngày 5/2 đã thông báo về việc phát hiện trữ lượng khí tự nhiên lớn. Trữ lượng khí đốt trên được phát hiện tại giếng "Margarita-10", do công ty Repsol của Tây Ban Nha vận hành tại mỏ khí đốt Margarita-Huacaya khổng lồ. Một trong những bồn trũng chứa khí đốt tự nhiên chính của đất nước, bao gồm một phần của các vùng phía Nam Chuquisaca và Tarija. Tổng thống Arce cho biết, giếng này dự kiến sẽ cho sản lượng khai thác khoảng 300-350 tỷ feet khối khí tự nhiên. Theo công ty dầu khí nhà nước Bolivia YPFB, giếng này sẽ tạo ra nguồn thu hơn 260 triệu USD mỗi năm cho nước này.

Bangladesh - Trung Quốc

Ngày 5/2, Ngoại trưởng Bangladesh (Băng-la-đét) AK Abdul Momen đã gạt sang một bên ý kiến cho rằng nước này đang rơi vào "bẫy nợ" của Trung Quốc. Phát biểu với báo giới sau khi tham dự một chương trình ở thủ đô Dhaka, ông Momen cho hay những khoản tiền Trung Quốc cho Bangladesh vay chỉ chiếm một phần nhỏ trong số nợ nước ngoài của nước này. Bangladesh cho đến nay đã vay nhiều nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ông nêu rõ: “Khoản vay Trung Quốc thậm chí không bằng 5% tổng số tiền chúng tôi vay từ các nguồn nước ngoài"./.