An Giang xây dựng 4 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022

Năm 2022, tỉnh An Giang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,2% và tỉnh xây dựng 4 kịch bản tăng trưởng cụ thể cho từng quý.

Theo đó, trong quý I/2022, An Giang đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 4,28%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,73%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,78% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 0,06%.

Trong quý II/2022, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 5,56%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,91%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,79%; khu vực dịch vụ tăng 5,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp giảm 0,09%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP là 4,72%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,34%; khu vực dịch vụ tăng 6,14%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp giảm 0,01%.

Sang quý III/2022, An Giang đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 6,32%. Lũy kế 9 tháng tăng trưởng GRDP là 5,28%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,86%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,51%; khu vực dịch vụ tăng 8,02%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 0,13%.

Quý IV/2022 tăng trưởng GRDP là 4,98%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,25%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,03%; khu vực dịch vụ tăng 7,23%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 0,02%.

Lũy kế cả năm 2022 tăng trưởng GRDP là 5,2%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,70%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,75%; khu vực dịch vụ tăng 6,87%; thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm tăng 0,01%.

longxuyen5520-1643717353.jpeg

Một góc thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang. Ảnh minh hoạ

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Đây là năm An Giang tập trung mọi nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,2%, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; khai thác lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh An Giang trên 3 trụ cột như: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới…

Thời gian tới, tỉnh An Giang tập trung ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID -19 kéo dài từ năm 2020, đặc biệt làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm, giai đoạn theo diễn biến của dịch bệnh, tỉnh An Giang đã chủ động đề ra những biện pháp và giải pháp phù hợp vừa thực hiện hiệu quả trong phòng, chống dịch, vừa phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2021, kinh tế An Giang tăng trưởng hợp lý, GRDP cả năm đạt 2,15%, thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu đề ra; trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản là động lực tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh trong giai đoạn phát triển khó khăn đầy thách thức do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19./.