Vĩnh Long xây dựng lộ trình kế hoạch phát triển kinh tế theo 3 giai đoạn

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long nhưng, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực để trụ vững và phát triển, đóng góp vào ngân sách gần 3.600 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng thu nội địa của địa phương. Đó cũng là cơ sở để năm 2022 tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu phục hồi hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay.

*Vượt bão dịch COVID-19

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long Võ Quốc Thanh, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh đã được tỉnh triển khai đồng bộ, kịp thời. Đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn bước đầu vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh ổn định trở lại và có mức tăng trưởng khá.

Bên cạnh đó, trong điều kiện khó khăn bởi tác động của dịch COVID-19 nhưng các cấp, các ngành của tỉnh vẫn tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong năm 2021, mặc dù tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giảm 1,05%, nhưng tỉnh đã phát triển 328 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là gần 2.800 tỷ đồng, thu hút đầu tư 11 dự án, với vốn đăng ký hơn 3.500 tỷ đồng.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Xuân (Khu công nghiệp Hòa Phú) hiện tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động, sản xuất 34,46 triệu sản phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 340 triệu USD/năm, doanh thu tăng bình quân 25%/năm.

Ông Nguyễn Việt Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh COVID-19 (quý III năm 2021) doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như đơn hàng bị tồn đọng, lực lượng công nhân thiếu hụt không đủ để lập chuyền sản xuất, hàng hóa không thể xuất khẩu.

Bên cạnh đó, công ty còn phát sinh thêm nhiều chi phí cho phòng chống dịch bệnh như chi phí xét nghiệm, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động...

19-wdrk-1643893833.jpeg
Ảnh minh hoạ

Để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Long đã đồng hành, chia sẻ và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đây cũng là bước đệm quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng, đến cuối năm 2021 doanh nghiệp đã khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất và xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu hàng hóa của đối tác. Theo đó, tình hình sản xuất kinh doanh trong năm qua của doanh nghiệp đạt trên 70% chỉ tiêu, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 80%.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long Nguyễn Tường Nam cho rằng, bên cạnh những khó khăn và thách thức, dịch bệnh còn là cơ hội cho một số chuỗi ngành hàng mới, thực tế cho thấy thị trường đã có sự dịch chuyển khá rõ rệt giữa một số ngành hàng, dịch vụ.

Năm 2022, có những cơ sở, điều kiện thuận lợi để tỉnh Vĩnh Long phục hồi kinh tế xã hội như, tỷ lệ tiêm vaccine của tỉnh ở mức khá cao, hầu hết các doanh nghiệp đã phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp vào địa phương.

*Thích ứng, phục hồi hoàn toàn

Năm 2022 được xem là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng khôi phục tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Theo dự báo, dịch COVID-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân. Do đó, để có thể đạt được chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2022, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Long sẽ kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách linh hoạt và hiệu quả.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long Võ Quốc Thanh cho biết, tỉnh xây dựng lộ trình cho kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát gồm 3 giai đoạn rất cụ thể.

Theo đó, giai đoạn 1 (từ 30/1- 31/12/2021), các cấp, các ngành triển khai các kế hoạch, phương án khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng ngành, lĩnh vực, địa phương phù hợp với cấp độ nguy cơ ở từng địa bàn. Giai đoạn 2 (từ 1/1/2022- 30/6/2022), cấp độ dịch của tỉnh là cấp độ 1, trong tỉnh không còn địa bàn vùng cam và vùng đỏ; 100% người lao động trên địa bàn tỉnh đã được tiêm vắc xin mũi 2.

Các doanh nghiệp thuộc khối sản xuất phục hồi hết công suất; các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khối thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh. Giai đoạn 3 (sau ngày 1/7/2022), sẽ mở rộng các hoạt động sản xuất, phục hồi hoàn toàn các hoạt động thương mại, dịch vụ.

Kế hoạch đặt mục tiêu đến hết năm 2022, toàn tỉnh có trên 97% doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống đăng ký kinh doanh Quốc gia đang hoạt động; giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2022 đạt trên 95% kế hoạch. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 10% so với năm 2021; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,1% so với năm 2021; giải quyết việc làm cho 20.000 lao động…

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung cho biết, năm 2022 tỉnh triển khai quyết liệt, hiệu quả kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, đảm bảo mục tiêu kép là phòng, chống dịch và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn.

Song song đó, tỉnh thực hiện kịp thời theo quy định các chính sách, chương trình hỗ trợ về tiền tệ, tín dụng, an sinh xã hội đối với người dân, các thành phần kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là gói phục hồi kinh tế - xã hội mà Quốc hội vừa thông qua.

Đó là gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí, lệ phí, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi...Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp để tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để tận dụng tốt các cơ hội phát triển, nhất là thời cơ dịch chuyển các dòng vốn đầu tư sang các nước khu vực Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, tỉnh rà soát lại tình hình thực hiện các dự án, xác định khó khăn, vướng mắc của từng dự án để kịp thời giải quyết và tháo gỡ; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nhằm kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp ngoài việc chủ động tổ chức hiệu quả, thích ứng hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch bệnh COVID-19, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập, thực hiện hiệu quả các nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, quan tâm đến đời sống, lợi ích chính đáng của công nhân – người lao động, qua đó đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Chào năm mới 2022 với nhiều niềm tin, kỳ vọng mới, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, giúp các doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay./.