Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh hướng tới giai đoạn 2021 - 2025 đưa nghề khai thác hải sản địa phương lên một tầm cao mới, khi địa phương chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP với định hướng chiến lược là vươn khơi bám biển, hiệu quả bền vững vừa bảo vệ nguồn lợi hải sản, gắn khai thác với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm vừa quyết liệt chống khai thác IUU nhằm tháo gỡ thẻ vàng EU.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh giữ vững ổn định số lượng tàu cá theo hạn ngạch cho phép nhưng phấn đấu đạt mức tăng sản lượng đánh bắt bình quân từ 1,2-1,5%/ năm, giá trị gia tăng tăng bình quân trên 3%/ năm.
Tiền Giang tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, ngư cụ cấm khai thác hải sản vùng ven bờ với mục tiêu cụ thể giảm số lượng tàu khai thác ven bờ trên 20% vào năm 2025; giảm dần tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác kiểu tận diệt như: sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản.
Bên cạnh đó, tỉnh củng cố và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất khai thác hải sản hiệu quả như: hình thành các chuỗi liên kết từ việc cung cấp vật tư, nguyên liệu gắn kết khai thác, vận chuyển cho đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, tập hợp được trên 20% số phương tiện tham gia vào mô hình tổ chức sản xuất khai thác hải sản theo chuỗi. Đồng thời, với tăng nhanh năng lực vận chuyển, bảo quản cho đội tau dịch vụ hậu cần khai thác hải sản…nhằm giúp ngư dân an tâm bám biển, khai thác hải sản làm giàu vừa thiết thực giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.
Cùng với đó, ngành tiếp tục phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến công tác chống khai thác IUU theo nội dung Nghị định 42/2019/NĐ-CP, đặc biệt là hành vi cố tình làm mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển, hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép và không đúng qui định,....
Điều này nhằm chủ động ngăn ngừa chủ tàu và những nghề dễ vi phạm lãnh hải nước ngoài, thiết thực đưa nghề biển Tiền Giang mạnh bước trên đường hội nhập và phát triển bền vững trong giai đoạn mới của đất nước.
Nằm hạ lưu sông Tiền, tiếp giáp biển Đông, Tiền Giang lợi thế về phát triển khai thác hải sản, giải quyết công ăn việc làm cho lao động miền biển vừa tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị phục vụ ngành chế biến thủy sản xuất khẩu, thu hút ngoại tệ. Đánh bắt hải sản cũng là nghề truyền thống của các địa phương nằm duyên hải phía Đông tỉnh: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, thành phố Mỹ Tho,…
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, số lượng phương tiện đánh bắt tuy chỉ tăng 22% nhưng năng lực khai thác tăng trên 62%. Chỉ tính riệng huyện ven biển Gò Công Đông đã có trên 900 phương tiện khai thác hải sản, thu hút gần 5.000 lao động lành nghề. Trong đó, có đến 690 phương tiện đánh bắt xa bờ, tổng công suất gần 340.000 CV.
Việc gia tăng số lượng phương tiện đánh bắt xa bờ góp phần tạo chuyển biến mới, tích cực trong nội bộ ngành khai thác hải sản theo hướng tăng sản lượng và giá trị khai thác biển, giảm áp lực khai thác ven bờ, khắc phục tình trạng đánh bắt hủy diệt vừa tái tạo nguồn lợi hải sản, đưa nghề biển Tiền Giang phát triển bền vững.
Gần đây, tỉnh khuyến khích phát triển đội tàu hành nghề dịch vụ khai thác hải sản chuyên cung ứng vật tư, nhiên liệu, ngư lưới cụ vừa tiêu thụ sản phẩm đánh bắt cho các tàu cá đang khai thác ngay tại ngư trường. Nhờ đó, giảm chi phí và tăng thời gian bám biển của đội tàu khai thác, nâng cao hiệu quả và chất lượng hải sản đánh bắt phục vụ thị trường. Hiện, đội tàu chuyên làm dịch vụ hậu cần trên biển đã lên đến 300 chiếc...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trịnh Công Minh chia sẻ, trên địa bàn hiện có 2 cảng cá quốc gia là cảng cá Mỹ Tho và cảng cá Vàm Láng cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá cho các phương tiện đánh bắt trong ngoài tỉnh. Cảng cá Mỹ Tho có diện tích trên 20.000 m2, khả năng tiếp nhận 1.200 lượt tàu thuyền mỗi tháng và hàng hóa qua cảng hàng năm đạt trên 50.000 tấn. Cảng cá Vàm Láng kết hợp Khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Soài Rạp có tổng vốn đầu tư trên 157 tỷ đồng, khả năng tiếp nhận neo đậu tránh trú bão cho 350 tàu, hàng hóa qua cảng đạt 40.000 tấn/năm.
Song song đó, địa phương triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nghề đánh bắt hải sản truyền thống như: chính sách đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm, chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa,..
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong giai đoạn 2011 – 2020, kinh phí hỗ trợ ngư dân đầu tư phát triển khai thác hải sản lên đến gần 253 tỷ đồng. Nhờ vậy, giúp bà con tháo gỡ khó khăn, chuyển đổi ngành nghề, tăng năng lực đội tàu đánh bắt xa bờ.
Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ nghề được ngư dân hết sức chú ý, tạo ra cuộc cách mạng khoa học công nghệ, mở ra tương lai mới trên lĩnh vực đánh bắt hải sản ở Tiền Giang.
Nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại được đầu tư, lắp đặt, trang bị phổ biến trên các phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ như: máy dò ngang SONAR giúp dò tìm, phát hiện đàn cá xung quanh tàu để khai thác đúng vị trí và đạt hiệu quả cao; thiết bị định vị vệ tinh giúp thuyền trưởng xác định được vị trí tàu trong quá trình khai thác.
Ngoài ra, máy thông tin liên lạc tầm xa giúp thuyền trưởng và chủ tàu trên bờ có thể kết nối thông tin liên lạc thường xuyên, giúp thuyền trưởng cập nhật thông tin giá cả sản phẩm, nguyên - nhiên liệu ở bờ đề có kế hoạch chủ động sản xuất hoặc đưa sản phẩm về bờ tiêu thụ; thiết bị giám sát hành trình giúp thuyền trưởng, chủ tàu và các cơ quan quản lý có thể theo dõi hành trình của tàu trong hoạt động khai thác, giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt việc chống khai thác IUU nhằm tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu…/.