Giá trị sản phẩm thu được trên đất nông nghiệp đạt bình quân 120 triệu đồng/ha, tổng sản lượng lương thực 436.800 tấn, trồng mới và trồng lại 400 ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt 256.000 tấn, trồng 3.700 ha rừng tập trung, khai thác 6.000 ha mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95,5%, ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên...
Để đạt được các mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Đề án xây dựng nông thôn mới...; đồng thời thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, sản xuất an toàn, hữu cơ, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao và mang tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngành chủ động phối hợp tốt với các ngành chức năng, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bố trí nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, các địa phương trong tỉnh nâng cao chất lượng các vùng sản xuất chè tập trung theo hướng tăng nhanh diện tích chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất chè hữu cơ, trồng mới, trồng thay thế chè, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh thương hiệu "Chè Thái Nguyên" trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao.
Trong sản xuất lúa, ngành nông nghiệp vận động người dân sử dụng giống năng suất, chất lượng cao để nâng cao giá trị sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế trên đất lúa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất lúa hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến, hỗ trợ tiêu thụ gạo và một số sản phẩm từ gạo cho các giống lúa đặc sản đã xây dựng được thương hiệu của các địa phương.
Trong năm 2022, Thái Nguyên tập trung phát triển những loại cây ăn quả có thế mạnh, đặc sản của tỉnh như: na, nhãn, bưởi.. sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của tỉnh, mở rộng diện tích, hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác rải vụ...Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô công nghiệp ở các vùng xa khu dân cư theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ, phát triển chăn nuôi gắn với quản lý, xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; tiếp tục hình thành một số mô hình chuỗi sản xuất, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm...
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Thái Nguyên xây dựng cơ chế hỗ trợngười dân trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), tạo vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến gỗ, tập trung phát triển cây quế theo Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực...
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2021, việc triển khai kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất, việc vận chuyển, tiêu thụ khó khăn, nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản truyền thống bị đứt gãy, một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi...
Tuy vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực với tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt hơn 14.600 tỷ đồng, tăng 4,18% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra gần 5%; giá trị sản phẩm thu được trên đất nông nghiệp đạt 117,8 triệu đồng/ha; tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm 460,7 nghìn tấn; sản lượng thịt hơi các loại 156.720 tấn; trồng rừng tập trung hơn 4.470 ha, đạt 111,8% kế hoạch đề ra...
Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp năm qua ở Thái Nguyên đó là việc ổn định sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 được gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhất là một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương trên các sàn thương mại điện tử uy tín.
Đặc biệt, trong phát triển các sản phẩm OCOP, năm qua, toàn tỉnh có thêm 53 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt từ 3 đến 5 sao của toàn tỉnh lên 129 sản phẩm, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch và tái cơ cấu kinh tế theo định hướng chung của tỉnh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.../.