Việt Nam: Chặn suy giảm, phục hồi nguồn lợi thủy sản

Nguồn lợi thủy sản của nước ta đang có sự suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Việc bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản là yêu cầu cấp thiết để không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và bền vững của ngành. Bước vào giai đoạn mới, phát triển thủy sản bền vững và có trách nhiệm cũng là xu hướng tất yếu.

Sở hữu hệ sinh thái đầm phá ven biển tiêu biểu của Việt Nam, Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hệ thống đầm phá ven biển. Tỉnh đã thành lập và tổ chức quản lý 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản với tổng diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt là 614,2 ha, chiếm gần 3% diện tích vùng đầm phá. Các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh được thành lập và giao cho chi hội nghề cá quản lý, từ đó nguồn lợi thủy sản trên đầm phá đã được quản lý khai thác và phát triển hiệu quả.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có sự bảo vệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản tốt. Ngành thủy sản đã và đang phải đối mặt với tình trạng khai thác quá mức, khai thác bằng các ngư cụ trái phép; ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản; “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu... và đặc biệt là sự suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, cùng với phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản thì bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học cũng là việc cần ưu tiên để đảm bảo tăng trưởng của ngành.

medium-banh0824211-2019-12-19-17-32-1640252172.jpeg

Chặn suy giảm, tiến tới phục hồi nguồn lợi thủy sản. Ảnh minh hoạ

Theo Tổng cục Thủy sản, các kết quả điều tra, nghiên cứu trong những năm gần đây đã cho thấy, nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, môi trường sống của các loài thủy sản biển đang có xu hướng suy giảm trên phạm vi cả nước, đặc biệt là vùng ven bờ. Xu hướng suy giảm đang gia tăng qua các năm và tại một số vùng biển, sự suy giảm đã đến mức báo động, mất hoàn toàn khả năng phục hồi.

Chẳng hạn, hệ sinh thái cỏ biển tại vùng cửa sông Hàn, thành phố Đà Nẵng đã bị phá hủy hoàn toàn. Hệ sinh thái san hô tại một số khu vực thuộc vùng biển Cô Tô và Đảo Trần, tỉnh Quảng Ninh suy thoái trên 90% không còn khả năng phục hồi. Hay hệ sinh thái tại một số khu vực ven đảo thuộc vịnh Nha Trang đã bị san lấp hoàn toàn..., đi kèm với đó là các loài thủy sản sống trong các hệ sinh thái thủy sinh cũng bị suy giảm do mất môi trường sống.

Kết quả điều tra, đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản chỉ ra rằng, nguồn lợi hải sản nước ta đang bị suy giảm với tốc độ nhanh. Trữ lượng các nhóm nguồn lợi chủ yếu cũng đang có xu hương suy giảm. Nhóm nguồn lợi hải sản tầng đáy giảm 18,4%; nhóm cá nổi nhỏ giảm 7,3% và nhóm cá nổi xa bờ giảm 8,8%. Con số này cho thấy, sự suy giảm nguồn lợi hải sản và sự cần thiết phải có những hành động thiết thực nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Với nguồn lợi thủy sản ở vùng nước nội địa, do phát triển thủy điện, thủy lợi, xả thải từ hoạt động kinh tế của các ngành đã làm biến đổi dòng chảy, ô nhiễm môi trường, mất đường di cư sinh sản và mất bãi đẻ, bãi giống, nơi cư trú của nhiều loài thủy sinh dẫn đến nguồn lợi bị suy giảm, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng.  

Để từng bước ngăn chặn sự suy giảm, tiến tới phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020. Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng như hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản; quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; huy động được nguồn lực xã hội tham gia công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản vẫn còn diễn ra thường xuyên; việc bảo tồn biển, nguồn lợi…. chưa được quan tâm, đầu tư phát triển đúng mức.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Chương trình quốc gia Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030. Đây sẽ là cơ sở để duy trì và phát triển bền vững ngành thủy sản; bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, ông Trần Đình Luân cho hay.

Theo dự thảo của chương trình, việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản dựa trên tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý nghề cá và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng, từng địa phương; từng bước tiếp cận thận trọng, không làm ảnh hưởng đến môi trường, đa dạng sinh học, đồng thời bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Dự thảo Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, đưa tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,4% diện tích vùng biển Việt Nam; phục hồi 30% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển. Trữ lượng nguồn lợi thủy sản được duy trì tương đương với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016 - 2020. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn lợi thủy sản được xây dựng hoàn thiện, được cập nhật thường xuyên, liên tục...

Đến năm 2030, trữ lượng nguồn lợi thủy sản phục hồi, tăng khoảng 5% so với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016-2020. Phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển...

Theo Tổng cục Thủy sản, trong thời gian tới, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên cả nước sẽ được quy hoạch tại Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy định tại Danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Hình thức quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thực hiện linh hoạt, có thể giao cho tổ chức cộng đồng để vừa huy động được nguồn lực từ xã hội vừa nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời chia sẻ trách nhiệm quản lý với cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, nguồn lợi thuỷ sản được bảo vệ sẽ giúp duy trì và phát triển sinh kế bền vững cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để ngăn chặn sự suy giảm, từ đó bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản thì cần kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước. Đặc biệt, là các vướng mắc, bất cập trong thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực thủy sản của các lực lượng trên đường thủy nội địa, trên biển; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, tổ chức quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, đường di cư tự nhiên của loài thủy sản; tiếp tục điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản, đảm bảo phù hợp với khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi thủy sản.

Để đảm bảo sinh kế cho người dân, cần gắn liền với chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững, hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản. Cùng đó, thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội vào công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; lấy cộng đồng ngư dân làm lực lượng nòng cốt trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh./.