Quảng cáo #128

Thúc đẩy tài trợ giảm thiểu chất thải rắn từ nông nghiệp, cải thiện chất lượng môi trường ở ĐBSCL

Quỹ trẻ em Hàn Quốc (ChildFund Korea) với nguồn tài trợ đặc biệt của cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và ActionAid Việt Nam đã nhất trí cùng hợp tác xây dựng các chương trình tài trợ tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu góp phần giảm thiểu chất thải rắn từ nông nghiệp, cải thiện chất lượng môi trường ở khu vực này.

Trong hai ngày 11-12/3 vừa qua, đoàn công tác kỹ thuật đại diện hai tổ chức ChildFund Korea và ActionAid Quốc tế tại Việt Nam đã làm việc với hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu để nhân rộng mô hình khí sinh học xử lý chất thải và cung cấp nguyên liệu đốt phát thải thấp cho các hộ nông dân.

tang-truong-xanh-cac-bon-thap-03-1710385951.jpg
Dự án dự kiến nhân rộng mô hình khí sinh học xử lý chất thải và cung cấp nguyên liệu đốt phát thải thấp cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. (Ảnh minh họa)

Giảm thiểu chất thải rắn từ nông nghiệp, cải thiện chất lượng môi trường

Theo đó, đoàn công tác đã làm việc trực tiếp với các cơ quan chuyên môn của hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, chuyên gia và giảng viên của Đại học Cần Thơ và đại diện cộng đồng tại huyện Long Phú và huyện Đông Hải.

Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu tôm lớn thứ 3 thế giới, tính đến tháng 12/2023. Nuôi trồng và chế biến thủy sản trong đó tôm đã tạo sinh kế cho 5 triệu lao động Việt Nam. Tại hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng phía nam sông Mekong có khoảng 200.000 người tìm kiếm sinh kế dựa vào nghề nuôi và chế biến tôm nước lợ, mang lại khoảng 25-35% GDP của các tỉnh.

Tuy nhiên, các nguồn chất thải rắn, lỏng từ nuôi trồng thủy sản cũng gây ra ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu.

Quỹ trẻ em Hàn Quốc (ChildFund Korea) với nguồn tài trợ đặc biệt của cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và ActionAid Việt Nam đã nhất trí cùng hợp tác xây dựng các chương trình tài trợ tại khu vực ĐBSCL với mục tiêu góp phần giảm thiểu chất thải rắn từ nông nghiệp, cải thiện chất lượng môi trường ở khu vực này.

Chương trình hợp tác ban đầu dự kiến có ba giai đoạn kéo dài 9 năm, trong đó giai đoạn 1 từ 2024-2026 có các kết quả dự kiến như sau: Giảm phát thải khí nhà kính và chất thải rắn từ nông nghiệp; hỗ trợ thành lập cơ chế phản ứng nhanh với ô nhiễm nước mặt.

Ngân sách dành cho giai đoạn 1 dự kiến tương đương 1,5 triệu USD, hỗ trợ 320.000 người dân, giảm trung bình 3.250 kg chất thải rắn từ mỗi hộ nuôi sau ba năm thực hiện dự án.

Lời giải cho bài toán ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính

Dự án dự kiến nhân rộng mô hình khí sinh học xử lý chất thải và cung cấp nguyên liệu đốt phát thải thấp cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; tăng cường năng lực cộng đồng trong quản lý chất thải rắn nông nghiệp; xây dựng cơ chế giám sát tự thân đối với chất lượng nước và quản lý chất thải rắn trong các trang trại tại khu vực; hỗ trợ các chương trình khuyến khích bảo vệ môi trường và giảm chất thải.

Các nội dung trên đã được đoàn cán bộ kỹ thuật của ChildFund và ActionAid, cán bộ cơ quan địa phương, nhà khoa học và đại diện các hộ hưởng lợi thảo luận trong 2 ngày làm việc tích cực. Các bên đã cơ bản thống nhất nội dung cơ chế phối hợp, xây dựng kế hoạch hành động và biện pháp kỹ thuật để triển khai hiệu quả, hỗ trợ cộng đồng tiếp cận và thực hành sinh kế bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng trong phát triển nông nghiệp bền vững thời gian sắp tới.

tang-truong-xanh-cac-bon-thap-05-1710386098.jpg
Dự kiến dự án sẽ hỗ trợ 320.000 người dân với mục tiêu giảm trung bình 3.250 kg chất thải rắn từ mỗi hộ nuôi sau ba năm thực hiện.(Ảnh minh họa)

Chia sẻ với đoàn làm việc, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, các chương trình tài trợ của ActionAid và đối tác đều thực tế và gắn liền với sinh kế của người dân. Đặc biệt trong bối cảnh phát triển nông nghiệp, Thủy sản là ưu tiên của địa phương nhưng đang gây ra một số thách thức về ô nhiễm môi trường và tăng phát thải khí nhà kính. Chúng ta đang nỗ lực để có 9 tỷ USD từ xuất khẩu tôm hàng năm và rất cần có các sản phẩm tôm phát thải thấp, có lợi cho người nuôi, người chế biến và tiêu dùng.

"Chúng tôi hoan nghênh ActionAid và ChildFund Korea đã hợp tác trong chương trình này, giúp nâng cao chất lương thương hiệu tôm Việt Nam, đặc sản tôm Bạc Liêu, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp", ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết.

Kinh tế tuần hoàn với cách tiếp cận tập trung xử lý, tái chế chất thải

Chính phủ Hàn Quốc triển khai nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) với cách tiếp cận tập trung vào xử lý và tái chế chất thải. Điều này giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia có tỷ lệ tái chế chất thải cao thứ hai trong các nước tham gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Chính phủ Hàn Quốc thông qua Kế hoạch tuần hoàn tài nguyên quốc gia lần thứ nhất (2018 - 2027), với mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ phát sinh chất thải GDP của Hàn Quốc xuống 20% cho đến năm 2027; Kế hoạch hành động quốc gia lần thứ 3 về sông và cửa biển (2021-2025) được xây dựng nhằm quản lý hiệu quả các con sông và cửa sông dễ bị ô nhiễm do chất thải xâm nhập từ đất liền.

Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Quy định về túi ni lông cấp Quốc gia cấm sử dụng túi ni lông dùng một lần trong các siêu thị lớn từ ngày 1/1/2019 nhằm BVMT và khuyến khích thực hiện tái chế. Ngoài ra, Hàn Quốc ban hành các quy định cụ thể về vi nhựa; Quy chế sử dụng hạt vi mô, cấm sử dụng vi hạt trên tất cả các chất tẩy rửa được sản xuất trong và ngoài Hàn Quốc năm 2021.

tang-truong-xanh-cac-bon-thap-04-1710386203.jpg
Hàn Quốc quan tâm phát triển mô hình tăng trưởng xanh, carbon thấp. (Ảnh minh họa)

Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật về loại bỏ chất thải thực phẩm vào năm 2013, quy định cụ thể về tiêu chuẩn thu gom chất thải. Chất thải được bỏ vào các túi phân hủy sinh học hoặc bỏ trực tiếp vào các thùng kim loại có trang bị thanh đo và đầu đọc chíp nhận dạng tần số vô tuyến. Luật này cũng quy định người dân sẽ phải trả thêm tiền, nếu lượng chất thải này vượt quá khối lượng cho phép và 60% số tiền đó được Chính phủ sử dụng để chi trả chi phí cho việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh.

Hiện nay, 95% chất thải thực phẩm ở Hàn Quốc được tái chế thành phân hữu cơ, thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón, còn lại chất lỏng sau khi ép ra từ rác thải được lên men thành khí hoặc dầu sinh học để sử dụng. Đây là chu trình khép kín từ thu gom, xử lý đến tái chế các sản phẩm theo hình thức “cộng sinh”.

Để khuyến khích phát triển KTTH và Tăng trưởng xanh, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra một số chính sách bao gồm: Đạo luật quản lý rác biển và trầm tích bị ô nhiễm tập trung vào quản lý rác biển; Khung hành động về tuần hoàn tài nguyên tăng cường các chính sách về tuần hoàn tài nguyên đại dương và đất liền, giảm sự lãng phí tài nguyên và nguồn năng lượng không cần thiết; Xây dựng các chỉ số đánh giá chất lượng nước và xác định lượng rác biển được thu gom thông qua các dự án xử lý rác biển quốc gia./.

Bình Nguyên