Phát triển thương hiệu sâm Việt Nam - sâm Ngọc Linh cần hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp

Nhiều ý kiến cho rằng để bảo tồn, phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh cần nhìn từ góc độ lợi ích của người dân, nhà nước, nhà doanh nghiệp để hướng tới bền vững. Đồng thời kiến nghị, nếu nhà quản lý đưa tên cho các loại sâm vào chung thì phải có hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, không đổ đồng chung gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
xay-dung-thuong-hieu-sam-viet-nam-2-1734664632.jpg
Sở hữu cây sâm Ngọc Linh là mơ ước bấy lâu của người dân nghèo ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh TTXVN)

Phát triển thương hiệu sâm Việt Nam - sâm Ngọc Linh từ lịch sử và thực tiễn

Tại Hội thảo Xây dựng bảo vệ, phát triển thương hiệu sâm Việt Nam - sâm Ngọc Linh nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng sâm Ngọc Linh và người dân trên địa bàn.

Theo GS. TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Đô, nguyên Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM, sâm Ngọc Linh từ cây thuốc giấu của đồng bào Xơ Đăng ở vùng núi Ngọc Linh, nay đã trở thành “quốc bảo”, mang lại giá trị cao.

Từ đây, xuất hiện nhiều vấn đề liên quan bảo tồn nguồn gene, thương hiệu, chất lượng sâm Ngọc Linh. Khó khăn nhất là nhiều giống sâm có hình dáng tương tự sâm Ngọc Linh nhưng không rõ nguồn gốc đã gây ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm quốc gia.

“Sau hơn 50 năm được phát hiện, sâm Ngọc Linh được công nhận là quốc bảo của đất nước và đang vươn tầm ra thế giới. Tuy nhiên, đến nay mới có 65 công trình nghiên cứu được công bố; điều này vẫn còn khiêm tốn so với sâm Triều Tiên” - GS. TS Trần Công Luận nói.

xay-dung-thuong-hieu-sam-viet-nam-1-1734664664.jpg
Hội thảo Xây dựng bảo vệ, phát triển thương hiệu sâm Việt Nam - sâm Ngọc Linh nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn. (Ảnh CTV)

Nhiều ý kiến cho rằng để bảo tồn, phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh cần nhìn từ góc độ lợi ích của người dân, nhà nước, nhà doanh nghiệp để hướng tới bền vững. Đồng thời, cần có những nghiên cứu, phát hiện những giá trị có lợi từ sâm Ngọc Linh, điển hình như hợp chất MR2 có tác dụng tốt để giảm stress, trầm cảm.

Để ngăn chặn tình trạng bát nháo, thật giả lẫn lộn, ảnh hưởng đến thương hiệu sâm quý Việt Nam, nhất là sâm Ngọc Linh, các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam hay Lai Châu là những địa phương sở hữu giống sâm quý này đang vào cuộc quyết liệt, nỗ lực bảo vệ, xây dựng thương hiệu cho sâm Việt Nam.

Cần định vị thương hiệu khoa học, bài bản nhằm nâng tầm giá trị sâm Việt Nam

Việc đa dạng các loại sâm, vùng trồng sâm, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần phân biệt rõ loại sâm nào, trồng ở đâu để người tiêu dùng chọn lựa, nhất là khi đưa ra thị trường nước ngoài.

Năm 2023, Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã dùng tên gọi Sâm Việt Nam cho 4 cây sâm là: Ngọc Linh, Lang Biang, Lai Châu và Pusailaileng (QĐ 611 QĐ/TTg). Trong 4 loại trên, sâm Ngọc Linh và Lai Châu được đầu tư trồng và cung cấp sản phẩm hàng hóa. Hai loại còn lại được phát hiện với số lượng ít, chủ yếu đang được bảo tồn và chưa được nghiên cứu nhiều.

xay-dung-thuong-hieu-sam-viet-nam-3-1734664692.jpg
Củ Sâm Lai Châu tại gian trưng bày sản phẩm tại Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022. (Ảnh TTXVN)

Ông Nguyễn Trọng Lịch, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết Chính phủ có chương trình phát triển sâm Việt Nam và trên tinh thần của chương trình này, năm 2014, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-TU về "Phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035”.

Trước tình trạng sâm giả mạo thương hiệu sâm Lai Châu, Ngọc Linh đang diễn ra và vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. GS. TS Trần Công Luận bày tỏ kỳ vọng sâm Việt Nam nói chung sớm được phát triển và thế giới công nhận. Nếu nhà quản lý đưa tên cho các loại sâm vào chung thì phải có hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, không đổ đồng chung gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Việc gộp 4 loài sâm trong nước thành chung một thương hiệu, các nhà khoa học, chuyên gia về sâm lo lắng, hậu quả khó lường cho thương hiệu sâm Việt Nam trong tương lai khi vươn ra thị trường thế giới.

xay-dung-thuong-hieu-sam-viet-nam-4-1734664617.jpg
Tỉnh Kon Tum đang nỗ lực trở thành là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.(Ảnh CTV)

Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Minh Đức, khoa Dược Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết khác tên thường, tên khoa học, khác xuất xứ, giá trị nên không có cơ sở để nhập chung tên gọi sâm Lai Châu với Ngọc Linh dưới tên sâm Việt Nam. Do đó, không thể đồng hóa hai cây sâm này.

Đồng quan điểm trên, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), nơi đang trồng khoảng 2.800ha sâm Ngọc Linh cho biết các nước trên thế giới đều chọn 1 loài sâm để đặt tên sâm quốc gia. Trên cơ sở phân tích nguồn gốc tên sâm Việt Nam, cùng đó là các yếu tố đặc thù, đặc hữu chỉ có ở núi Ngọc Linh nên đặt tên sâm Ngọc Linh là sâm Việt Nam là phù hợp nhất.

Ở Việt Nam, những năm 80 của thế kỷ 20 đến nay, các nghiên cứu công bố quốc tế về sâm Ngọc Linh đều dùng Vietnamese ginseng (sâm Việt Nam). “Giới khoa học quốc tế hiểu và công nhận sâm Việt Nam là sâm Ngọc Linh. Cây sâm Ngọc Linh là sâm đặc hữu, bản địa của vùng núi Ngọc Linh (Việt Nam), chưa phát hiện nơi nào khác. Các thành phần saponin đặc sắc, phong phú so với các loại sâm khác, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Minh Đức khẳng định.

Cây sâm Ngọc Linh được vào dược điển Việt Nam III năm 2002, dược điển IV năm 2009, dược điển V năm 2017. Dược điển ghi sâm Việt Nam là sâm Ngọc Linh; sản phẩm quốc gia chỉ có sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) vào danh mục của Nhà nước công nhận năm 2017.

“Việc gọi tên, xác định chiến lược phát triển hài hòa các cây sâm của Việt Nam chưa thật sự chặt chẽ, khoa học… gây khó khăn, thậm chí hạn chế sự phát triển của sâm Ngọc Linh, cây sâm quý được mệnh danh Quốc bảo của đất nước” Giáo sư-Tiến sỹ Trần Công Luận cho biết thêm./.

Trọng Bình