Xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp liên kết đầu tư mở rộng diện tích trồng dừa
Tỉnh Trà Vinh chọn dừa là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển tăng cao giá trị, giúp nông dân thu nhập bền vững. Năm 2024, Trà Vinh đã tăng cường quảng bá, xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp liên kết đầu tư mở rộng diện tích trồng dừa và sản xuất chế biến để đa dạng sản phẩm vươn xa ra thị trường xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, địa phương đã quy hoạch vùng trồng dừa tập trung tại các huyện vùng ven sông Hậu như: Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành... Mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2030 là nâng diện tích vườn dừa trên 28.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để đáp ứng nhu cầu chế biến các mặt hàng từ dừa xuất khẩu.
Trong 5 năm tới, tỉnh sẽ tăng cường hoạt động ứng dụng và chuyển giao về khoa học công nghệ trong trồng và sản xuất chế biến để nâng cao năng suất cây dừa cho trái đạt bình quân khoảng 17,8 tấn/ha, đạt kim ngạch xuất khẩu từ các sản phẩm dừa tăng bình quân 5%/năm.
Ông Lê Văn Đông - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, theo chủ trương của tỉnh, ngành nông nghiệp đang xúc tiến mời gọi doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến ngành hàng dừa tham gia đầu tư các chuỗi liên kết mở rộng hơn nữa diện tích trồng dừa tại Trà Vinh.
Hiện tại, tỉnh có gần 89.000 hộ trồng hơn 7,2 triệu cây dừa với diện tích 27.520ha; trong đó có 23.600ha đang cho trái. Năng suất dừa ở Trà Vinh đạt bình quân trên 17,1 tấn/ha/năm, tương đương 14.300 quả/ha/năm, cao gấp 1,5 lần năng suất bình quân của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh đã có 5.276 ha dừa trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt chuẩn quốc tế do 8 công ty, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ và còn 3.000ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đang chờ được cơ quan chức năng chứng nhận. Vùng trồng dừa của tỉnh đã được cấp 20 mã số vùng trồng; trong đó có 10 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là định hướng về phương thức sản xuất của tỉnh để phát triển cây dừa nâng cao chuỗi giá trị đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế và thu nhập bền vững cho người trồng.
Trong giai 2025-2030, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa. Tỉnh phấn đấu có ít nhất 10 doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã sản xuất chế biến sản phẩm từ dừa và xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu.
Cùng với việc thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư ở ngành hàng dừa, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho sản phẩm từ dừa, tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và cấp mã số vùng trồng dừa đạt tiêu chí các nước nhập khẩu quan tâm.
Thực hiện chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa và phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao
Năm 2024 là năm giá trị về kinh tế cây dừa đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Giá dừa khô và dừa tươi không ngừng tăng, đạt mức cao nhất và ổn định cho đến hiện nay từ 110.000-120.000 đồng/chục (12 trái) đối với dừa khô đem lại nông dân trồng dừa mức thu nhập từ 80-90 triệu đồng/ha/tháng. Theo dự báo từ các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các mặt hàng từ dừa xuất khẩu thì giá trị kinh tế cây dừa sẽ tiếp tục giữ vững và tăng thêm so với tiền lệ trong những năm tiếp theo.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh Lê Văn Đông, năm 2025, ngành nông nghiệp xây dựng và đề xuất phương án bố trí kinh phí hàng năm, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án có liên quan để thực hiện chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa và phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao. Cùng với việc mở rộng diện tích trồng mới, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân cải tạo khoảng 5.000 vườn dừa bị lão hóa tại các vùng trồng theo quy hoạch.
Phát triển diện tích vườn dừa được thực hiện song song việc xúc tiến, ưu đãi chính sách mời gọi doanh nghiệp liên kết đầu tư cho nông dân thực hiện phương thức canh tác cây dừa tiên tiến đạt tiêu chuẩn hữu cơ, các tiêu chuẩn châu Âu-UE, Mỹ-USDA, Nhật-JAS, Australia-ACO, Thụy Điển-KRAV, GlobalGAP để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu sản phẩm từ dừa, đảm bảo đạt mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, tăng thu nhập bền vững cho người trồng.
Kim ngạch xuất khẩu dừa và sản phẩm chế biến năm nay có thể đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15 - 20% so với năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan. Và để ngành dừa phát triển bền vững, ngoài việc mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế, theo ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp cần phải làm tốt từ khâu nội tại của chuỗi.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết: “Dừa là cây trồng truyền thống quanh nhà, nên một vườn nhà có thể trồng rất nhiều giống dừa. Cho nên chất lượng của nó chưa thật sự ổn định. Chúng tôi sẽ kiến nghị với Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và các địa phương cố gắng trong chương trình khuyến nông riêng với ngành dừa cũng phải hỗ trợ để những hộ nông dân trồng chuyên dừa, thuần chủng để chất lượng và năng suất sẽ được ổn định”.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường chia sẻ: Từ khi Bộ NN&PTNT đưa dừa vào danh mục các cây công nghiệp chủ lực đã giúp ngành hàng dừa có sự thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, khi các Hiệp định thương mại được ký kết, thuế suất xuất khẩu dừa giảm xuống còn 0% vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức nếu chúng ta không có chiến lược cụ thể.
Do đó, hiện nay, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành dừa, các địa phương cần tận dụng các chính sách này để hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân. Về phía các doanh nghiệp Việt, trong nước đã có nguồn nguyên liệu chất lượng cao thì phải có chiến lược nâng giá bán sản phẩm ở các thị trường, để lấy phần gia tăng đó quay trở lại hỗ trợ giá mua cho người dân, thay vì tìm cách thu mua nguyên liệu giá rẻ và bán giá rẻ như hiện tại./.
Dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ NN&PTNT ban hành theo Quyết định 431/QĐ-BNN-TT năm 2024. Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 - 210.000 ha, trong đó vùng trồng dừa trọng điểm ĐBSCL khoảng 170.000 - 175.000 ha. Đồng thời, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP, hoặc tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 30%.
Từ con số khiêm tốn 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024. Trong nhóm thị trường trọng điểm, Trung Quốc có nhu cầu lớn nhất. Vừa qua, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam.