Đề nghị JICA hỗ trợ chi trả REDD+ của Việt Nam
Ngày 26/2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị tiếp ông Hiro Miyazono, cố vấn cấp cao về quản lý rừng và bảo tồn thiên nhiên cùng đoàn công tác của Cơ quan Phát triển Nhật Bản (JICA).
Một trong những nội dung được lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề cập trong buổi làm việc với đoàn JICA, là tiến độ triển khai việc chi trả REDD+ (Giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; Quản lý bền vững tài nguyên rừng; Bảo tồn và tăng cường trữ lượng carbon).
Trong 4 năm qua, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, tổ chức nhiều hội thảo tham vấn và hiện đề xuất Quỹ khí hậu xanh (GCF) mức chi trả 150 triệu USD cho giai đoạn 2021- 2025.
Việt Nam đã hoàn thành 4 trụ cột cho REDD+, bao gồm: Chương trình hành động quốc gia về REDD+; Mức phát thải tham chiếu/đường phát thải cơ sở từ rừng; Hệ thống giám sát rừng quốc gia và hệ thống đo đạc, báo cáo, kiểm chứng; Hệ thống thông tin đảm bảo an toàn.
Việc xây dựng Đề xuất chi trả REDD+ của Việt Nam do JICA hỗ trợ thực hiện và đến nay đã hoàn thành dự thảo đề xuất chi tiết. Tổng lượng chi trả đề xuất là 30 triệu tCO2e (tấn các bon). 3 vùng thực hiện chi trả là: Tây Bắc, Đông Bắc và Nam Trung bộ, với tổng diện tích rừng khoảng 8,4 triệu ha, chiếm 56% diện tích rừng toàn quốc.
Vì một số nguyên nhân khách quan, trong đó có dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, nên việc chi trả REDD+ chưa thực hiện được như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định, Bộ và toàn ngành lâm nghiệp luôn rất quan tâm đến hoạt động này.
"Nếu việc chi trả được phê duyệt, Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt một số đề án, chương trình liên quan để cùng phối hợp thực hiện, giúp người dân được hưởng lợi cao nhất", Thứ trưởng bày tỏ.
Cùng bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ chi trả REDD+
Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Bộ NN&PTNT, ông Hiro, cố vấn cấp cao của JICA cho biết, vấn đề quan tâm lớn nhất của đoàn công tác trong chuyến thăm Việt Nam lần này, là ngân sách chi trả khả dụng cho REDD+ từ GCF.
Ông đồng ý, vì một số lý do, mức đề xuất dự kiến của Việt Nam là 150 triệu USD sẽ không thể thực hiện. Sau quá trình làm việc cùng các bên liên quan, với đầu mối là Cục Lâm nghiệp, phía JICA đang đề xuất mức chi trả vào khoảng 62 triệu USD.
Do thời hạn của việc chi trả không còn nhiều, phía JICA mong muốn dự thảo sửa đổi sẽ được đặt lên bàn nghị sự trong phiên họp vào tháng 7/2024.
Để đạt mục tiêu này, JICA đề xuất hai giải pháp. Hoặc gia hạn dự án liên quan là Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM2), vốn kết thúc vào tháng 5/2025; Hoặc triển khai một số dự án mới, tập trung vào việc mua sắm trang thiết bị kỹ thuật.
Cùng với đó, theo quy trình nộp hồ sơ đề xuất dự án, JICA đề nghị các cơ quan tiếp tục đánh giá và tham vấn thêm địa phương về những rủi ro môi trường - xã hội liên quan đến các hoạt động của dự án để xác định biện pháp khắc phục các rủi ro dự kiến phát sinh trong quá trình thực hiện.
Nhất trí với ý kiến của JICA, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị giao Cục Lâm nghiệp thực hiện đề cương dự án một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể. Trong đó, sẵn sàng điều chỉnh phạm vi, tiến độ, hiệu quả thực hiện để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông cũng bày tỏ mong muốn JICA quan tâm, hỗ trợ để xây dựng đề cương theo đúng quy mô điều chỉnh, nhằm đáp ứng các yêu cầu của nhà tài trợ GCF. Đồng thời, nhanh chóng phản hồi nếu phát sinh những thay đổi.
GCF được thành lập vào năm 2010 trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), với mục tiêu hỗ trợ các nước đang phát triển giảm lượng khí thải các bon và tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu./.
REDD+ là một sáng kiến quốc tế nhằm hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua các nỗ lực chống mất rừng, chống suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý rừng bền vững, tăng cường trữ carbon rừng.
Việt Nam đã tham gia REED+ từ rất sớm vào năm 2008 và tới nay đã có hơn 45 dự án lớn nhỏ tại Việt Nam đã được triển khai, tạo nền tảng về mặt thể chế, chính sách và kỹ thuật cho REDD+ để tiến tới thực hiện các hoạt động REDD+ và chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải hoặc hấp thụ carbon.