Ngành tôm vượt khó nhưng áp lực vẫn rất lớn
Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2023 cả nước sản xuất được hơn 30.000 con tôm thẻ chân trắng, sú bố mẹ; còn phải nhập khẩu khoảng 168.000 tôm thẻ, sú bố mẹ phục vụ cho sản xuất giống. Ngoài ra, còn có hơn 2.140 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ. Năm 2023, cả nước sản xuất và ương dưỡng được 153 tỷ con tôm giống nước lợ.
Năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 622.000ha, tôm thẻ chân trắng khoảng 115.000ha. Sản lượng đạt 1,12 triệu tấn (tăng 5,5% cùng kỳ 2022), trong đó sản lượng tôm sú đạt 274.000 tấn và tôm thẻ chân trắng 845.000 tấn. Sản lượng sản xuất tôm giống đạt khoảng 150 tỷ con. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD, giảm gần 20% so với năm 2022.
Theo Cục Thủy sản, năm 2024 nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con (tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000 và tôm sú 60.000 con). Tôm giống khoảng 140-150 tỷ con, trong đó tôm thẻ chân trắng 100 - 110 tỷ con và tôm sú 30 - 40 tỷ con.
Diện tích nuôi tôm đạt 737.000ha (tôm sú 622.000ha, tôm thẻ 115.000ha), sản lượng tôm các loại ước đạt 1.065.000 tấn (trong đó tôm sú 300.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 765.000 tấn), kim ngạch xuất khẩu đạt từ 4 - 4,3 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam cho biết, năm 2023 Việt Nam đứng Top 12 xuất khẩu, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm. Năm 2023, tôm Việt Nam "bơi" sang 100 thị trường so với 102 thị trường cùng kỳ năm 2022.
Trong năm 2024, dự báo biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề cần quan tâm giải quyết, việc sản xuất tôm thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là giải pháp cấp trong thời gian tới. Chi phí đầu tư vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với các nước.
Dự báo năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn cạnh tranh về giá với các nước Ecuador và Ấn Độ. Dù vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10-15% vào năm 2024.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong năm 2023 các địa phương đã nỗ lực vượt qua những khó khăn để hoàn thành các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ. Thứ trưởng đánh giá cao công tác tổ chức và lãnh đạo của các địa phương từ thực tế phát triển tôm nước lợ. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp đã nâng cao năng lực chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu.
“Năm 2023, trước khó khăn thách thức của thị trường thế giới, đặc biệt là tổng thu toàn cầu thay đổi, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt trên 53 tỷ USD, lúa gạo đạt 43,5 triệu tấn, chăn nuôi 7,79 triệu tấn thịt các loại, thủy sản 9,3 triệu tấn và gỗ rừng trồng là 32 triệu m2, nông nghiệp tăng trưởng hơn 3,8%”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải
Tại hội nghị “Phát triển ngành hàng tôm ít phát thải và bền vững ở Việt Nam” diễn ra vào cuối năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng ngành hàng tôm cần phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh đảm bảo giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP 26, đến năm 2050, Việt Nam sẽ đưa phát thải khí nhà kính về 0, tức là “Net – Zero” về phát thải. Thực hiện cam kết này, ngành nông nghiệp đang thúc đẩy các giảm pháp để giảm phát thải trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Tuấn, Bộ NN&PTNT đã chủ trì thành lập nhóm Hợp tác Công tư (PPP) ngành hàng Thủy sản từ năm 2011. Từ 4 thành viên tham gia ban đầu, đến nay Nhóm PPP Thủy sản đã mở rộng lên 7 thành viên. Đồng trưởng nhóm PPP thủy sản hiện nay gồm Cục Thủy sản (D-FISH), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức –GIZ và Công ty Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
“Nhóm PPP ngành hàng Thủy sản đã và đang huy động được nhiều nguồn lực quốc tế, cả về tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ sản xuất và chế biến thủy sản tại Việt Nam chuyển đổi sang sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính”, ông Tuấn khẳng định.
Hướng tới thực thi cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 là đưa phát thải về “net zero” vào năm 2050, PGS.TS. Võ Nam Sơn cũng cho rằng ngành hàng tôm cần phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn: Đầu vào “xanh” – Tái sử dụng tất cả các nguồn “thải” cho một quy trình sản xuất khác.
Ông Sơn khuyến cáo các nông hộ, trang trại nuôi tôm nên chuyển đổi theo hướng tuần hoàn khép kín, nuôi đa loài trong một ao, trang trại sản xuất kết hợp (tôm + khác), sử dụng các đầu vào “xanh” như: dùng điện mặt trời hoặc sử dụng năng lượng xanh, ngừng sử dụng phân bón hóa chất, nuôi thêm các loài hấp thu hữu cơ (chất lơ lửng), nuôi kèm các loài hấp thu vô cơ (N, P,…).
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và định hướng phát triển ngành tôm bền vững, các địa phương chú ý liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ.
Theo đó, vùng ĐBSCL cần chú ý đến việc xây dựng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi. Cùng với đó, cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng nuôi, hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản.
"Để phát triển ngành tôm bền vững các địa phương cần tăng cường quản lý Nhà nước về tôm giống, vận chuyển, chất lượng tôm giống. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ về giống, chế phẩm sinh học, tôm nuôi, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị./.