Quảng cáo #128

Hai cánh rừng thiêng gắn với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với những chiến công vang dội, những quyết định lịch sử làm thay đổi vận mệnh đất nước.
di-tich-rung-tran-hung-dao-cao-bang-8-75x0460-type-manager-upload-1734749323.webp
Đường lên khu rừng Trần Hưng Đạo.

Bên cạnh những trang sử hào hùng ấy, có hai cánh rừng mang đậm dấu ấn của vị tướng tài ba, không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn là biểu tượng của tinh thần cách mạng và ý chí quật cường của dân tộc: rừng Trần Hưng Đạo ở Cao Bằng và rừng Mường Phăng ở Điện Biên.

Cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km về phía Tây Nam, dưới chân núi Slam Cao hùng vĩ, thuộc hai xã Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, ẩn mình một khu rừng mang tên Trần Hưng Đạo. Với diện tích hơn 200 héc-ta, khu rừng này không chỉ sở hữu thảm thực vật phong phú, đa dạng mà còn là nơi ghi dấu một sự kiện lịch sử trọng đại: ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, đã chính thức được thành lập tại đây. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, đặt nền móng cho sự ra đời của một đội quân bách chiến bách thắng.

Năm 2014, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 25 năm ngày hội quốc phòng toàn dân, khu rừng Trần Hưng Đạo vinh dự được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đến với khu rừng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức phù điêu lớn khắc họa hình ảnh 34 chiến sĩ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, được sáng tác dựa trên bức ảnh tư liệu quý giá. Bức phù điêu như một lời nhắc nhở về những ngày đầu gian khó nhưng đầy khí thế của cách mạng Việt Nam. Đi sâu vào khu rừng, du khách sẽ đến với khu đất bằng, nơi ghi dấu sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Tại đây, cây Sau sau trắng già, nơi các chiến sĩ năm xưa treo lá cờ đỏ sao vàng và tuyên thệ, vẫn đứng đó như một chứng nhân lịch sử. Tấm bia bốn mặt khắc chữ vàng ghi toàn văn bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, 10 lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam và danh sách 34 chiến sĩ càng làm tăng thêm giá trị lịch sử của địa điểm này.

Tiếp tục hành trình, du khách có thể chinh phục 505 bậc đá để lên đỉnh Sham Cao, đỉnh cao nhất của núi Dền Sinh. Đây chính là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quan sát và chuẩn bị cho trận đánh đồn Phai Khắt. Từ đỉnh núi, du khách có thể bao quát toàn cảnh làng Phai Khắt, hang Thẩm Khẩu và đường đi Ngân Sơn, đồn Nà Ngần. Hiện nay, đồn Phai Khắt đã được tu sửa thành Nhà trưng bày bổ sung của khu di tích, trưng bày những hình ảnh, tư liệu và hiện vật tái hiện buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Cách đó không xa là hang Thẳm Khẩu, nơi có phiến đá được sử dụng làm bàn để vẽ sơ đồ chuẩn bị đánh đồn Phai Khắt và Nà Ngần.  

di-tich-muong-phang-nhin-tu-tren-cao-1734749383.png
Một góc cánh rừng Mường Phăng nhìn từ trên cao

Một cánh rừng khác cũng mang đậm dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là rừng Mường Phăng ở Điện Biên. Người dân nơi đây thường gọi khu rừng này là “Rừng Đại tướng”, bởi đây chính là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong suốt 105 ngày đêm lịch sử (từ 31/1 đến 15/5/1954). Chính tại nơi đây, những chỉ thị, mệnh lệnh có tính chất quyết định đã được ban ra, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Nhạc sĩ Doãn Nho đã từng viết: “Có một khu rừng như thế/Tình chiến binh gắn bó keo sơn/Ta kiêu hãnh gọi rừng Đại tướng/Tấm gương xanh soi sáng giữa đời”. Khu rừng Mường Phăng không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một điểm du lịch sinh thái, văn hóa hấp dẫn.

 Với du khách quốc tế, đặc biệt là người Pháp, Mường Phăng ẩn chứa một sự kỳ bí, khó lý giải về sức mạnh của một quân đội với vũ khí thô sơ lại có thể đánh bại một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm dưới chân núi Pú Đồn, được bố trí dọc theo con suối nhỏ. Hệ thống hầm hào, lán trại liên hoàn được làm bằng những vật liệu tự nhiên như tre, luồng, lá móc, lá gồi... tái hiện lại một cách chân thực cuộc sống và làm việc của Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Du khách sẽ được tham quan trạm gác tiền tiêu, lán và hầm làm việc của cơ quan thông tin, lán và hầm của sĩ quan liên lạc, đường hầm xuyên núi dài 69m nối lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lán của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, lán Ban tác chiến và Ban quân báo. Đặc biệt, lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn được giữ nguyên hiện trạng với chiếc ba lô sờn bạc và chiếc bàn tre nơi Đại tướng nghiên cứu bản đồ chiến sự. Từ căn hầm chỉ huy, du khách có thể lên đỉnh Pú Huốt, đài quan sát nơi Đại tướng đã theo dõi mọi động tĩnh của quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Với hơn 290 héc-ta rừng đặc dụng, Mường Phăng là một hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm. Dưới tán rừng, những cây cổ thụ quý hiếm tỏa bóng mát, mùa xuân hoa trẩu, hoa ban nở rộ, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp.

rung-muong-phang-dien-bien-1-1734754688.jpg
Rừng Mường Phăng ở Điện Biên được người dân nơi đây thường gọi khu rừng này là “Rừng Đại tướng”. (Ảnh minh họa)

Cả hai khu rừng, Trần Hưng Đạo và Mường Phăng, đều từng bị lâm tặc xâm hại, nhưng nhờ sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, những cánh rừng thiêng này đã được bảo vệ và gìn giữ. Ngày nay, chúng không chỉ là những di tích lịch sử vô giá mà còn là những điểm du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển kinh tế địa phương. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của hai khu rừng này là trách nhiệm của mỗi chúng ta, để những dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi được lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau./.

Nguyễn Đỗ