Kinh tế tuần hoàn giảm phát thải, nền tảng cho phát triển xanh và bền vững

Áp dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; phổ biến, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với lợi thế và đặc trưng của các ngành, lĩnh vực và từng địa phương nhằm thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về “0”, hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững.
kinh-te-tuan-hoan-03-1706671340.jpg
Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế. (Ảnh minh họa)

Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng  bằng 0

Tại Hội nghị COP26, việc Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế. Qua đó, khai thông cơ hội cho quốc gia tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo. Các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết.

Đến nay, các bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030… Một số bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết tại COP26.

Nhiều bộ, ngành đã ký kết các thỏa thuận hợp tác thực hiện cam kết COP26 với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Môi trường Hàn Quốc, Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Citi Bank, Ngân hàng BIDV; xúc tiến trao đổi với Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Standard Chattered về các nội dung hợp tác để triển khai các cam kết của COP26. Các định chế tài chính trong và ngoài nước như ADB, CitiBank, HSBC, SCB, BIDV, IFC… cũng đang hỗ trợ Việt Nam triển khai các cam kết tại COP26.

Các địa phương đã nhận thức và tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 thông qua thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; tăng cường năng lực và nhận thức của đội ngũ cán bộ; tuyên truyền các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn năng lượng xanh; đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh.

kinh-te-tuan-hoan-02-1706671321.jpg
Thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới.(Ảnh minh họa)

Các Tổng công ty, Tập đoàn Nhà nước bước đầu đã nghiên cứu và giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch. Các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân trong nước cũng hành động ngay cùng Chính phủ. Một số tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Như vậy, trong thời gian ngắn kể từ Hội nghị COP26 đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đã triển khai nhiều hành động thực hiện cam kết, nhận được sự ủng hộ vào cuộc của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các địa phương và doanh nghiệp. Việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao; huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng.

Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển xanh bền vững

Thực hiện kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các cam kết về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050...

Kể từ năm 2020, khái niệm Kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch này trước ngày 31/12/2023.

Theo các chuyên gia, thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sáng kiến này đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức.

Thống kê sơ bộ trên thế giới cho thấy, đến nay ước tính có khoảng hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã, đang và dự kiến sẽ xây dựng các lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn dưới các tên gọi khác nhau như kế hoạch, chiến lược, lộ trình như Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn lần thứ 2 của Liên minh Châu Âu ban hành lần thứ 2 kèm theo khung giám sát và các chỉ tiêu về kinh tế tuần hoàn để định hướng chung cho toàn khối.

Đặc biệt, năm 2021, Ủy ban ASEAN ban hành Khung kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng kinh tế ASEAN. Khung kinh tế tuần hoàn đặt ra tầm nhìn dài hạn với các tham vọng về kinh tế tuần hoàn dựa trên các sáng kiến hiện có và xác định các trọng tâm ưu tiên hành động đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn trong khối ASEAN.

kinh-te-tuan-hoan-01-1706671410.jpg
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN đưa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn dưới luật.(Ảnh minh họa)

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN đưa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn dưới luật.

Tại hội thảo tham vấn đề cương kế hoạch hành động quốc gia và lĩnh vực trọng tâm trong thực hiện kinh tế tuần hoàn diễn ra trước đó, TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra quy định về kinh tế tuần hoàn. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, nhiều công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất, người tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện môi trường sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện, hiệu lực và hiệu quả.

Theo các chuyên gia, việc sớm công nhận và thể chế hóa khái niệm, quy định về kinh tế tuần hoàn vào trong hệ thống chính sách, pháp luật đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đồng thuận của giới khoa học và đã có những tín hiệu ủng hộ, hưởng ứng bằng hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp với mô hình kinh tế nhiều tiềm năng này.

Kinh tế tuần hoàn được coi là giải pháp hiệu quả giải quyết các thách thức của toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm rác thải, thúc đẩy các biện pháp phát triển bền vững./.

Trọng Bình