Thứ trưởng nhấn mạnh, Hải Phòng với khoảng 2 triệu dân, 15 khu công nghiệp với 200 nghìn công nhân, nhu cầu nhà ở rất lớn. Đáng lưu ý, Chính phủ đã vừa ban hành Nghị quyết, với gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ với nhiều chính sách nhân văn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực nhà ở, bất động sản, đặc biệt mức vay ưu đãi cho nhà đầu tư với lãi suất chỉ 2%, quy mô 40 nghìn tỷ, hỗ trợ cho vay mua nhà giá rẻ với lãi suất 4,8%.
Để “gỡ nút thắt” về quy hoạch để phát triển đón sóng đầu tư bất BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra ba kiến nghị quan trọng về công tác lập quy hoạch, tránh tin đồn thổi, đầu cơ trục lợi bất hợp pháp và kiểm soát tình hình thị trường bất động sản.
Thứ nhất, Hải Phòng phải làm tốt công tác lập quy hoạch về xây dựng, đất đai và các quy hoạch khác. Sau giai đoạn phát triển, đến nay nhiều điểm quy hoạch của Hải Phòng cần điều chỉnh để tiếp tục thu hút đầu tư, tạo ra sự phát triển mới.
Thứ hai, theo Thứ trưởng Sinh, thành phố quan tâm, công khai minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai các dự án, tránh hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ đẩy giá trục lợi bất hợp pháp như ở một số địa phương vừa qua. Ngoài ra, thành phố cần kiểm soát tốt tình hình bất động sản thị trường để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo đại diện TP. Hải Phòng, giá trị bất động sản của Hải Phòng những năm gần đây đang tăng đột biến. Đặc biệt năm 2021, tất cả các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại Hải Phòng đều thành công. Hải Phòng là một trong những địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh về bất động sản, với năm hệ thống giao thông, trong đó có Cảng Nước sâu quốc tế Lạch Huyện và Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, có hệ thống đường cao tốc, có lực lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ngày càng lớn.
Để tận dụng lợi thế và đón bắt làn sóng đầu tư vào bất động sản, sắp tới Hải Phòng chú trọng cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính, để làm sao tạo được sự hài lòng cho các nhà đầu tư, cũng như người dân trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tiếp đó là cải cách công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để có thể rút ngắn nhất thời gian giao đất, hỗ trợ thủ tục pháp lý để nhà đầu tư được nhận đất sớm nhất, sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục về đấu thầu, đấu giá, để các nhà đầu tư tiếp cận thị trường và thu hồi vốn sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó một số chuyên gia kinh tế, đưa ra những ý kiến giúp Hải Phòng tháo gỡ nút thắt quy hoạch, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Hải Phòng.
Theo PGS. TS KTS Lưu Đức Cường - Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) khuyến nghị, cần phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở với các dự án, gia tăng giá trị dài hạn cho thị trường bất động sản cũng như tăng cường công khai minh bạch, góp phần lành mạnh thị trường và thu hút những nhà đầu tư thực sự.
Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên đề xuất: cần định hướng phát triển Hải Phòng như một trung tâm kinh tế biển, tiếp cận theo hướng kinh tế xanh và bền vững.
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, song hành với sửa đổi bổ sung các quy định của Luật đất đai thì Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở cũng được sửa đổi, bổ sung, thống nhất và đồng bộ với các chính sách pháp luật đất đai để có hành lang pháp lý đồng bộ cho thị trường bất động sản.
Để Hải Phòng phát triển thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một thành phố biển. Các doanh nghiệp tại Hải Phòng đề xuất Thành phố gia tăng thêm độ mở và hút các nhà đầu tư với các cơ chế công khai, minh bạch cùng nhiều chính sách ưu đãi; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể cũng như chi tiết một cách bài bản khoa học và phù hợp với diễn biến thực tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy hoạch và mở ra nhiều hoạt động chuyển đổi số trong bất động sản hiệu quả và thiết thực./.