Sự kiện thu hút mối quan tâm và sự tham gia của khoảng 200 doanh nghiệp toàn quốc. Qua đó, giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tìm ra những giải pháp chuyển đổi số toàn diện, phù hợp để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, ứng phó với đại dịch COVID-19 và hậu quả từ đại dịch là một trong những thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. "Trạng thái bình thường mới" do đại dịch COVID-19 đặt ra những vấn đề mới cho quản lý trên bình diện quốc gia và toàn cầu, đòi hỏi phải có những điều chỉnh chính sách phù hợp. Lãnh đạo các doanh nghiệp cần phải chủ động thích ứng linh hoạt, thực hiện chuyển đổi số dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa kinh doanh, công nghệ và con người để tạo ra những hướng đi mới đột phá hơn.
Dịch COVID-19 là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp đẩy nhanh chuyển đổi số; đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong trạng thái bình thường mới; kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo ông Phòng, hội thảo là một trong chuỗi nhiều chương trình mà VCCI đã và đang tổ chức nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển chuyển đổi số của Việt Nam. Sự chuyển mình kịp thời của các doanh nghiệp sẽ tạo ra thế và lực mới, nâng cao hơn nữa đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển của đất nước.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, doanh nghiệp đã đưa ra những định hướng tăng tốc chuyển đổi số nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi sau đại dịch COVID-19; cũng như cách tiếp cận các gói hỗ trợ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Theo bà Thủy, vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay là vấn đề tài chính. Theo đó, có 70% doanh nghiệp gặp khó khăn về trả lương cho người lao động. Hơn 60% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đảm bảo trả lãi vay ngân hàng; 60% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, văn phòng.
Ngoài ra, còn là những khó khăn trong đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn hay trả nợ gốc cho ngân hàng, thanh toán tiền điện, nước, nhiên liệu đầu vào... Ngay như thực hiện 3 tại chỗ, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh, gánh nặng tài chính mà doanh nghiệp phải thực hiện là chi trả bình quân 9,3 triệu đồng/tháng/lao động.
Tổng hợp các ý kiến mà doanh nghiệp đề xuất Chính phủ hỗ trợ, theo bà Thủy, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ lãi vay từ 1-3% để trả lương để giữ chân lao động chờ cơ hội khôi phục sản xuất kinh doanh. Hay như hỗ trợ giảm chi phí điện nước, nguyên nhiên liệu đầu vào, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng hay thuế xuất nhập khẩu hoặc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.
Nhiều doanh nghiệp còn có nguyện vọng được giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí, lệ phí và được các ngân hàng thương mại khoanh nợ, lùi thời hạn trả nợ của tất cả các khoản nợ. Song song đó, hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn sẽ bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào, tránh để xảy ra tình trạng đầu cơ, gom hàng sau dịch hay đảm bảo chuỗi cung ứng, đẩy mạnh bao phủ vaccine, hỗ trợ thủ tục chuyên gia…. Đồng thời, tiếp tục tinh gọn thủ tục, đơn giản hóa các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ.
Chuyên gia của Microsoft Việt Nam đã giới thiệu về việc xây dựng một số mô hình kinh doanh hướng số hóa cho hoạt động hiệu quả trong thời kỳ bình thường mới. Theo đó, sẽ kết nối nhân viên theo hướng số hóa, tăng tốc số hóa (quản lý dữ liệu và số hóa quy trình kinh doanh, truy cập thông tin cần thiết từ mọi nguồn dữ liệu của doanh nghiệp) đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Trong phiên tọa đàm, các diễn giả và chuyên gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện Microsoft Việt Nam đã chia sẻ thông tin về các chính sách mới nhất và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sản xuất kinh doanh một cách bền vững.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đã dành thời gian lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức trong bối cảnh mới./..