Thị trường Saudi Arabia kỳ vọng sẽ tạo sức bật để nông sản Việt tạo vị thế tại khu vực Trung Đông

Việt Nam luôn ghi nhận Saudi Arabia là thị trường lớn và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực sang thị trường Saudi Arabia đều tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2024, đặc biệt là rau quả.

Nội dung trên là nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung trong buổi làm việc với Tổng cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia (SFDA) vào ngày 29/10 vừa qua. Tại buổi làm việc hai bên đã thống nhất sẽ thúc đẩy thương mại nông, lâm, thuỷ sản giữa hai nước.

xuat-khau-nong-san-1-1730338467.jpg
Thứ trưởng Hoàng Trung làm việc với ông Hishsam S. Aljadhey, Tổng cục trưởng SFDA. (Ảnh: Bộ NN&PTNT)

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao về sự hợp tác tích cực của các Cơ quan quản lý của Saudi Arabia, đặc biệt là SFDA trong thời gian qua nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại nông, lâm, thủy sản giữa hai nước. Việt Nam luôn ghi nhận Saudi Arabia là thị trường lớn và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.

Hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực sang thị trường Saudi Arabia đều tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2024, đặc biệt là rau quả (10,9 triệu USD, tăng 51,4%), gạo (22,7 triệu USD, tăng 43,7%), hạt tiêu (12,5 triệu USD, tăng 34%); riêng mặt hàng thủy sản có sự suy giảm nhẹ (59,1 triệu USD, giảm 0,2%).

Thứ trưởng Hoàng Trung đã chia sẻ thông tin Hội nghị Halal toàn quốc với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, tổ chức vào ngày 22/10/2024 vừa qua. Đại sứ quán và các đối tác Saudi Arabia tại Việt Nam cũng đã tham dự hội nghị và chia sẻ những quy định, kinh nghiệm rất bổ ích cho phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, thị trường Halal đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác to lớn với những tiềm năng nổi bật. Thị trường Halal toàn cầu dự báo có quy mô lên tới 10.000 tỷ USD trước năm 2028, trải rộng trên khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, trong đó dân số Hồi giáo dự báo đạt 2,8 tỷ người vào năm 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu.

xuat-khau-nong-san-2-1730338555.jpg
Ông Hishsam S. Aljadhey, Tổng cục trưởng SFDA cho biết hợp tác về sản phẩm Halal với Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của Saudi Arabia.(Ảnh: Bộ NN&PTNT)

Việt Nam mong muốn hợp tác với Saudi Arabia trong sản xuất và chứng nhận sản phẩm Halal. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phía Saudi Arabia cung cấp các thông tin thị trường, thị hiếu để xúc tiến các sản phẩm nông sản Việt Nam tiếp cận được thị trường thực phẩm Halal tại Saudi Arabia. Thứ trưởng cũng đề nghị SFDA chia sẻ các chính sách, quy định về công nhận lẫn nhau đối với chứng nhận Halal, tập trung vào các sản phẩm trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi.

Ông Hishsam S. Aljadhey, Tổng cục trưởng SFDA cho biết Chính phủ Saudi Arabia đang triển khai Chiến lược Tầm nhìn 2030, trong đó tập trung vào đa dạng hóa nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm. Do vậy, hợp tác về sản phẩm Halal với Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản là một trong những ưu tiên hàng đầu của Saudi Arabia.

Tổng cục trưởng SFDA khẳng định SFDA sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và các quy định về chứng nhận Halal với cơ quan quản lý phía Việt Nam. Ông Hishsam S. Aljadhey cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực này với phía Saudi Arabia.

Thứ trưởng Hoàng Trung nhất trí sáng kiến của SFDA và sẽ chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ trao đổi, thảo luận cụ thể với Đại sứ quán Saudi Arabia tại Việt Nam và SFDA về đề xuất trên.

xuat-khau-nong-san-3-1730338456.jpg
Quả chanh Việt Nam được bán tại một siêu thị ở Saudi Arabia. (Ảnh Ngọc An)

Cũng tại buổi làm việc, trên cơ sở quan hệ hợp tác tốt đẹp và để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giữa 2 nước, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị SFDA xem xét sớm gỡ bỏ Chỉ thị số 21174 ngày 23/1/2018 về việc tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản nuôi trồng từ Việt Nam.

Ông Hishsam S. Aljadhey cho biết sẽ cử đoàn kỹ thuật sang Việt Nam đánh giá thực tế hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với chuỗi sản xuất thủy sản nuôi trồng trong thời gian sớm nhất để có cơ sở đó dỡ bỏ toàn bộ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu đối với thủy sản nuôi trồng của Việt Nam./.

Trước đó, ngày 22/10, tại Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định Việt Nam định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới.

Thủ tướng đánh giá Việt Nam có 3 cơ sở quan trọng để phát triển ngành Halal. Đó là:

Thứ nhất, Việt Nam có tình hình chính trị, xã hội ổn định, tiềm lực và quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng lớn mạnh, đứng thứ 34 về quy mô kinh tế, thuộc nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại hàng đầu và đang ở giai đoạn dân số vàng với 100 triệu người...

Thứ hai, Việt Nam có quan hệ đối ngoại và liên kết kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng, có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 32 nước, tham gia hơn 70 tổ chức khu vực, quốc tế quan trọng và có quan hệ hợp tác tốt đẹp với cộng đồng các quốc gia Hồi giáo trên thế giới.

Thứ ba, Việt Nam có các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal nhờ kinh nghiệm và đóng góp về bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể đáp ứng các tiêu chuẩn về Halal, cũng như lợi thế trong phát triển du lịch, trong đó có du lịch Halal với đường bờ biển dài, hệ sinh thái đa dạng…

Bình Nguyên (Tổng hợp)