Chiều 22/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”.
Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì tổ chức nhằm tạo chuyển biến thực chất và triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.
Cùng dự có lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, cùng hơn 500 đại biểu trong và ngoài nước tham dự trực tiếp và trực tuyến, trong đó đại diện của 50 nước, các tổ chức khu vực, quốc tế, hầu hết đều là cấp người đứng đầu các cơ quan quản lý Halal quốc tế, khu vực và các nước, cùng các doanh nghiệp quốc tế uy tín trong lĩnh vực Halal, các đại sứ và đại diện Đại sứ quán các nước Hồi giáo/thị trường Halal quan trọng, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Việt Nam có nhiều thuận lợi trong phát triển sản phẩm công nghiệp halal
Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về Halal lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030", có ý nghĩa định hướng quan trọng cho việc phát triển ngành Halal của Việt Nam. Thực phẩm Halal là những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển.
Hội nghị gồm 6 hoạt động chính thức và hơn 20 hoạt động song phương bên lề. Trong đó, phiên toàn thể bao gồm lễ giới thiệu Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia và ra mắt Bộ Tiêu chuẩn Halal Việt Nam; ký kết các văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung để phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành Halal của các nước và các tổ chức khu vực, quốc tế; cơ hội và các đề xuất hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành Halal, mở cửa thị trường đối với sản phẩm Halal Việt Nam; tiềm năng, định hướng phát triển ngành Halal của Việt Nam và địa phương; thúc đẩy đàm phán, hướng tới ký kết các thỏa thuận/biên bản ghi nhớ hợp tác về Halal giữa các cơ quan, địa phương của Việt Nam với một số đối tác Halal tiềm năng, quan trọng.
Các đại biểu nhận định, để thâm nhập, tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm biện pháp chính gồm hỗ trợ kết nối địa phương, doanh nghiệp với các đối tác, thị trường Halal toàn cầu trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược và mỹ phẩm; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý nhà nước về Halal, tối ưu hóa quy trình chứng nhận, thúc đẩy thừa nhận, công nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia, cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới.
Ông Zafer Gedikli, Chủ tịch Hội đồng Halal Thế giới đánh giá, đây là một dịp quan trọng trong lịch sử của Halal. Việt Nam là một quốc gia trọng điểm ở khu vực Đông Nam Á, và ông tin rằng Việt Nam có thể trở thành đối tác chủ chốt trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ Halal tới các quốc gia cũng như người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn thế giới. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 2 tỷ người Hồi giáo. Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người Hồi giáo chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế Hồi giáo. Năm 2023, người Hồi giáo đã chi khoảng 2,5 nghìn tỷ USD cho việc tiêu thụ các sản phẩm Halal, bao gồm: thực phẩm và đồ uống, thuốc men và các sản phẩm hỗ trợ lối sống Halal khác. Con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Các lĩnh vực đóng vai trò then chốt bao gồm: ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Halal, công nghiệp mỹ phẩm, thuốc men, dịch vụ tài chính Hồi giáo, thời trang Hồi giáo, du lịch Halal và truyền thông Hồi giáo.
Ông cho biết, mặc dù số người Hồi giáo tại Việt Nam còn ít, song Việt Nam vẫn có cơ hội rộng mở và tiềm năng thị trường to lớn trong ngành công nghiệp Halal. Vị trí địa lý nằm ở gần các quốc gia Hồi giáo như: Malaysia và Indonesia cũng đem lại cho Việt Nam lợi thế rất lớn.
Ông đã từng tới thăm Việt Nam và tin tưởng rằng Việt nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách Hồi giáo, nếu như nhận thức về Halal được nâng cao và các cơ sở vật chất phục vụ cho người Hồi giáo trong khách sạn và nhà hàng được triển khai sắp đặt.
Hợp tác ngành halal là một trong những trụ cột mới
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ tiềm năng lợi thế của Việt Nam trong phát triển ngành halal tại Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình hợp tác và phát triển vì vậy, việc phát triển sản phẩm công nghiệp halal, hệ sinh thái halal rất thuận lợi bởi Việt Nam có một nền tảng vững chắc cả về kinh tế, văn hóa, chính trị, có đầy đủ các yếu tố để phát triển ngành công nghiệp halal nhanh và bền vững.
Thủ tướng khẳng định, hợp tác ngành halal là một trong những trụ cột mới trong hợp tác kinh tế quốc tế; đẩy mạnh phát triển ngành halal, công nghiệp ngành halal, hệ sinh thái ngành halal hiện đại, toàn diện, bền vững và hiệu quả; hợp tác trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa, tôn trọng phẩm giá con người, tôn trọng văn hóa của các dân tộc.
Thủ tướng đã nêu 3 thông điệp trong đó nhấn mạnh: "Chúng tôi nhấn mạnh ba thông điệp: Một là, Việt Nam rất quan tâm và mong muốn được hợp tác về ngành halal, đây một nội hàm trong hợp tác phát triển, ngành halal là một ngành kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới trong phát triển quan hệ với các nước, nhất là các nước cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.
Thứ hai là chúng tôi coi trọng việc phát triển ngành halal, xác định đây là một định hướng mới trong hoạt động sản xuất, và coi ngành halal cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường hợp tác với các đối tác tham gia hiệu quả vào thị trường ngành halal và chuỗi giá trị ngành halal toàn cầu.
Ba là, Việt Nam chủ trương phát triển ngành halal trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa con người, thể hiện sự đóng góp tích cực có trách nhiệm của Việt Nam, cùng xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác, đa dạng hài hòa và cùng nhau phát triển, cùng chung sống hòa bình, cùng có ấm no hạnh phúc, cùng có tự do và độc lập".
Để Việt Nam phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Halal trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị cần thực hiện 5 thúc đẩy.
"Thứ nhất là hợp tác chia sẻ thông tin kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quản lý nhà nước liên quan đến ngành halal, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn halal quốc tế, quốc gia, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành halal quy mô lớn và phục vụ xuất khẩu, sản phẩm dịch vụ halal của Việt Nam.
Thứ hai là đàm phán ký kết các thỏa thuận, Hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác, các thỏa thuận công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận halal, qua đó giúp các doanh nghiệp của Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng thực phẩm halal toàn cầu,
Thứ ba là kêu gọi các đối tác ở khu vực, quốc tế đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến Halal nhất là về nông nghiệp, du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, dược phẩm, mỹ phẩm, các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến halal, và công nghệ dây chuyền sản xuất, hậu cần...
Thứ tư là đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm dịch vụ thương mại, xây dựng thương hiệu của halal Việt Nam và mở cửa thị trường cho các sản phẩm halal xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ năm là đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa, nhất là về văn hóa ẩm thực, từ đó tăng cường sự chia sẻ, giúp đỡ, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp hai bên là những thế mạnh của nhau và tiềm năng hợp tác trong phát triển ngành halal tại Việt Nam.
Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài tiếp tục đến đầu tư hợp tác Việt Nam trên tinh thần ba cùng "cùng lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn thách thức; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động trong quá trình phát triển ngành halal cũng như là hệ sinh thái halal; cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển, cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào trong quá trình phát triển ngành halal trên tinh thần là "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, nhà nước"./.