Thị trường gia vị hữu cơ toàn cầu tiếp tục tăng trưởng mạnh
Nếu như châu Á là khu vực thị trường nhập khẩu gia vị nói chung lớn nhất thế giới, thì Bắc Mỹ và EU lại là 2 thị trường nhập khẩu gia vị hữu cơ lớn nhất. Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, tại châu Âu, các quốc gia như Thụy Sỹ, Hà Lan, Đức, Pháp, Ý… là những thị trường nhập khẩu lớn về gia vị. Trong đó, các loại gia vị có chứng nhận tiêu chuẩn bền vững (hữu cơ, Fairtrade, RA) có tiềm năng xuất khẩu lớn vào thị trường này.
Hiện nay, thị phần các loại gia vị và hương liệu được sản xuất bền vững ở châu Âu rất thấp (dưới 1%) nhưng đang tăng lên. Tại châu Âu, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ gia vị hữu cơ được dự báo sẽ đặc biệt cao ở Thụy Điển và Anh với mức tăng hơn 5,5%/năm trong 7 năm tới.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, thập kỷ tiếp theo dự kiến sẽ được đánh dấu bằng sự tăng trưởng ấn tượng của các loại gia vị và hương liệu hữu cơ, phù hợp với xu hướng thực phẩm hữu cơ đang phát triển nhanh chóng.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững (trong đó có sản xuất hữu cơ), có nguồn gốc mới cũng như mối quan tâm ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe của gia vị và việc sử dụng gia vị, hương liệu trong ẩm thực quốc tế là những xu hướng hàng đầu mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPA), năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 34.976 tấn các loại gia vị các loại, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 49,3 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 lượng xuất khẩu tăng 222,4%. Dự báo, Việt Nam sẽ tăng lên 2-3 tỷ USD về xuất khẩu gia vị trong 2-3 năm tới.
Hiện, Việt Nam đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị trên thế giới. Trong đó, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Xuất khẩu quế cũng đứng đầu thế giới kể từ năm 2022 và đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu hoa hồi.
Các doanh nghiệp chủ động tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt
Ông Hồ Diệp Anh Khôi - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương cho biết, muốn xuất khẩu gia vị, các sản phẩm gia vị sang các thị trường khó tính, trong đó có Mỹ, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định trong Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ (FSMA). Nếu doanh nghiệp bị FDA phát hiện, họ sẽ gửi thư cảnh cáo và công bố rộng rãi trên website của mình. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể kiện các doanh nghiệp trong trường hợp chết oan hoặc bệnh tật liên quan đến sản phẩm thực phẩm của công ty đó. Chính vì vậy, đã là luật, doanh nghiệp Việt chỉ còn cách tuân thủ.
Theo các chuyên gia, gia vị cũng là những thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng nên các quy định trong quá trình xuất khẩu của nhiều thị trường rất nghiêm ngặt.
Nhiều sản phẩm gia vị ở Việt Nam ngưỡng test tồn dư thuốc bảo vệ thực vật một số chất có thể là 0.03 hoặc 0.01mg/kg vẫn bảo đảm quy định, nhưng ở châu Âu chỉ được ở mức 0.003mg/kg hoặc 0.001mg/kg, tức là rất thấp. Ngoài ra, thuốc diệt cỏ glyphosate bị cấm sử dụng ở châu Âu từ 15/12/2023.
Ngoài tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi sinh vật, chất bảo quản cũng là những rào cản trong xuất khẩu gia vị vì mỗi thị trường lại có những tiêu chuẩn khác nhau. Chỉ cần có sự chênh lệch rất nhỏ về tỷ lệ dư lượng kim loại nặng hay vi sinh vật , hàng của doanh nghiệp Việt cũng bị cảnh báo, trả về.
Trước tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, để chế biến, bảo quản những mặt hàng gia vị, các doanh nghiệp thường áp dụng các quy trình xử lý bằng vi sinh hoặc màu thực phẩm, nhưng chính các quy trình này nếu không được kiểm soát chặt chẽ, nắm bắt các tiêu chuẩn một cách cụ thể thì doanh nghiệp gia vị rất dễ vi phạm bởi các chất như Acid phosphoric, Coumarin, MOAH, MOSH, Nikotin, aflatoxin, Sudan color… Điều này đồng nghĩa với việc, rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng tăng lên.
Ngay như mặt hàng ớt của Việt Nam đang bị EU áp dụng tại Phụ lục I (tần suất kiểm tra là 50%) chuyển sang Phụ lục II của Quy định 2019/1973 tần suất kiểm tra 50% đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết, thực trạng trên buộc các sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu vào EU và một số nước khác phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm của thị trường này. Cụ thể là bảo đảm các quy định về dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản, và các chất phụ gia khác trong sản phẩm.
Việc phân tích và kiểm tra định kỳ các chất trên sản phẩm không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế.
Thực chất, việc mỗi nước, mỗi thị trường xuất khẩu có một tiêu chuẩn riêng có thể khiến các doanh nghiệp sản xuất gia vị gặp khó khăn trong việc bảo đảm quy định, chất lượng nhưng đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu, phát triển sản phẩm.
Ông Trần Văn Hiếu cho biết, để đảm bảo sản phẩm xuất khẩu không bị trả về vì tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp đã phải trang bị phòng Led. Bởi thông thường, các phòng Led khác ở Việt Nam chỉ có thể test 1.067 chất trong sản phẩm nhưng Dace vẫn chủ động test thêm một số chất khác để đảm bảo các mặt hàng gia vị khi xuất khẩu gần như không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật theo các tiêu chuẩn quốc tế./.