Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần làm gì để hội nhập tốt hơn?

Mức độ sẵn sàng cho hội nhập của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn khiêm tốn dẫn tới việc phát triển thị trường xuất khẩu nông sản thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
nong-san-vinh-long-1695788679.jpg
Mức độ sẵn sàng cho hội nhập của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn khiêm tốn. Ảnh minh họa

Nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 22,59 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2021, trong đó có 05 nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, và điều.

Trong bối cảnh chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu hàng hóa đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngược lại với bối cảnh chung của xuất nhập khẩu hàng hóa, 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 16,9 tỷ USD, tăng 11,5 % . Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 3,55 tỷ USD, tăng 61,8%. Gạo 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%. Hạt điều 2,23 tỷ USD, tăng 8,9% và cà phê 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong hội nhập, theo TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương phải thừa nhận thực tế sự chủ động hội nhập chưa cao. Mức độ sẵn sàng cho hội nhập của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn khiêm tốn.

Việc khai thác cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và tận dụng ưu đãi về thuế khi thực thi cam kết trong các FTA cho phát triển thị trường xuất khẩu nông sản thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển các ngành chưa phù hợp, chưa tiếp cận sát với nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Vì vậy, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, TS. Nguyễn Văn Hội cho rằng, cần cơ cấu lại các mặt hàng nông sản gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt các mặt hàng cần chế biến sâu, nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu nông sản.

Cần tăng cường công tác điều phối phát triển xuất khẩu nông sản theo vùng, lãnh thổ, nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết, các chuỗi giá trị nhằm tận dụng lợi thế tại một số địa phương, vùng kinh tế.

Nghiên cứu triển khai có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, đề án đầu tư phát triển các các trung tâm cung ứng phục vụ xuất khẩu nông sản. Đồng thời, tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản thân thiện với môi trường, có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao.

Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy vai trò của địa phương trong lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Đông Nghi