Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu

Trong quá trình phát triển của kỷ nguyên công nghệ, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu mà mọi quốc gia trên thế giới đều đang hướng tới.

Cần phân biệt hai thuật ngữ: “chuyển đối số” và “số hóa”. Số hóa là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số. Còn chuyển đổi số là cấp độ cao hơn một bậc, một cách hoàn thiện của số hóa. Cụ thể sau khi dữ liệu đã được số hoá, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data,… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác để phục vụ tốt hơn trong sản xuất kinh doanh.

chuyen-doi-so-nong-nghiep-1726539802.jpg
Nông dân tại tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dùng máy bay không người lái (Drone) để chăm sóc ruộng lúa. (Ảnh minh họa)

Chuyển đổi số diễn ra khi nào

Không có một đáp án thống nhất cho câu hỏi “chuyển đổi số diễn ra từ bao giờ?”. Nhưng chúng ta đã biết có những câu chuyện về thành công điển hình của các doanh nghiệp toàn cầu nhờ chuyển đổi số đã tạo ra giá trị trên thế giới. Một ví dụ, DuPont - Tập đoàn đa ngành trị giá hơn 80 tỷ USD có mặt tại hơn 100 quốc gia, với các chương trình chuyển đổi số đã tạo ra hiệu quả to lớn: điển hình như tiết kiệm 1,6 tỷ USD chi phí công nghệ thông tin; tạo ra hàng tỷ USD lợi ích; giảm 90% thời gian xử lý đơn hàng; thúc đẩy sự phát triển nhiều công cụ quản trị mới cho các đối tác công nghệ hàng đầu như Microsoft, SAP, AT&T.

Năm 2016, PWC thực hiện khảo sát có tên “Công nghiệp 4.0: Xây dựng công ty kỹ thuật số”. Phạm vi là 2.000 công ty trên 26 quốc gia. Kết quả cho thấy, tỉ lệ phần trăm kỹ thuật số hóa của những công ty này sẽ tăng từ 33% lên 72% trong vòng 5 năm tới. Hơn thế nữa, các công ty này còn dành 5% doanh thu để đầu tư vào kỹ thuật số hóa. Từ đó, có thể thấy rõ rằng, chuyển đổi số đã, đang và vẫn sẽ là xu hướng chiến lược của các doanh nghiệp trong tương lai. Và từ đó đến nay con số đó đã thay đổi và phát triển vượt bậc. Công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) có bước phát triển khá (theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu 6 tháng ước đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ).

Sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và đã xuất khẩu đi khắp thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm số 6 tháng ước đạt 64,8 tỷ USD, tăng 23%, nhập khẩu đạt 56,1 tỷ USD, tăng 27,2%. Nhiều tập đoàn, công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển và trí tuệ nhân tạo. Thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt được tích cực triển khai (theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,2% về số lượng và 36,7% về giá trị).

Ngành y tế đang tích cực triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; hơn 1 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 1,8 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản. Công tác mở rộng cơ sở thu, quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai một cách quyết liệt, mạnh mẽ và có sự chuyển biến tích cực; kết quả thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng theo từng năm (năm 2022 là 83.000 tỷ đồng; năm 2023 là 97.000 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024 là trên 50.000 tỷ đồng).

chuyen-doi-so-y-te-1-1726539836.jpg
Chuyển đổi số là mục tiêu chiến lược thời 4.0 đưa ngành y tế tiếp tục là điểm sáng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống. (Ảnh minh họa)

Chuyển đổi số có ích lợi như ra sao

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích: Tối giản hóa và giảm chi phí quản lý, vận hành; Cải thiện chiến lược khách hàng; Xác định chính xác phân khúc thị trường và khách hàng tiềm năng; Cập nhật nhanh chóng và chính xác nhờ hệ thống thông tin, báo cáo thông suốt, kịp thời; Tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới; Trải nghiệm khách hàng toàn cầu; Nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp; Tăng sự nhanh nhạy và đổi mới. Theo báo cáo của các tổ chức uy tín trên thế giới, quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ khiến các nước đang phát triển, trong đó có thể giúp Việt Nam tăng năng suất lao động lên từ 30 - 40%, đóng góp đến 20 - 30% tăng trưởng GDP, tránh được bẫy thu nhập trung bình.

chuyen-doi-so-nong-nghiep-2-1726539789.jpg
Người dân Lâm Đồng áp dụng ứng dụng kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Vì sao phải chuyển đổi số

Ngoài lý do đến từ những lợi ích to lớn kể trên, thì không thể không nhắc tới các tác động ngoại cảnh gồm 3 nguyên nhân chủ yếu:

1. Thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi nhanh với ngày càng nhiều yêu cầu về tiện ích sản phẩm, dịch vụ.

2. Công nghệ trên thế giới thay đổi từng ngày và mang lại nhiều tiềm năng, lợi ích to lớn. Để luôn đứng vững hoặc tạo ra bước đột phá, doanh nghiệp cần phải không ngừng đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển chung.

3. Trên thị trường, đối thủ cạnh tranh cũng đã thay đổi, ngày càng mạnh lên, sở hữu nền tảng số hóa cho phép họ có thể triển khai vận hành hiệu quả nhanh hơn, tiết kiệm hơn, chất lượng hơn. Điều này khiến mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, vì vậy việc chuyển đổi số là bắt buộc với các doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. cơ quan, doanh nghiệp cần hiểu rõ và có chiến lược cụ thể cùng sự đầu tư tương xứng mới có thể tồn tại và phát triển bền vững./.

Tú Anh