Hải Phòng tăng trưởng xanh:

Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng nông sản

Trên thực tế, hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đã và đang gia tăng liên tục trong những năm qua và có xu hướng tiếp tục tăng cao ở Hải Phòng. Đây cũng là lộ trình phát triển của ngành nông nghiệp thành phố nhằm nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
trang-trai-hoa-lan-2-1726622027.jpg
Giải pháp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được thành phố Hải Phòng chú trọng.

Nông nghiệp thích ứng với đô thị hóa

Hải Phòng, do nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp - dịch vụ tăng nhanh, quỹ đất ngày càng thu hẹp, do biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng nên nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên. Giải pháp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được thành phố xem là hướng đi có tính khả thi để nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuất – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng cho biết, thời gian qua Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó ưu tiên cho phát triển, hỗ trợ kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, các chế phẩm vi sinh trong trồng trọt, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, …

Chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, bền vững, nông nghiệp hữu cơ tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, … ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch… đã tạo ra giá trị mới cho nông sản, giúp sản phẩm an toàn, nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

img-4614-1726622353.JPG
Ông Nguyễn Ngọc Tuất – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng.

Thông qua việc triển khai các cơ chế chính sách, chương trình, đề án đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn thành phố phát triển khá toàn diện. Kết quả: năm 2023 giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 15.867,2 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 1,03% so với thực hiện năm 2022, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 10.232,3 tỷ đồng, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 28,13 tỷ đồng, giá trị sản xuất thuỷ sản đạt 5.606,8 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024 giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản (giá so sánh 2010) ước thực hiện 8.404,1 tỷ đồng bằng 52,49% kế hoạch năm 2024, tăng 0,79% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Dấu ấn công nghệ cao từ đồng ruộng

Từ định hướng và chính sách của thành phố đã tạo động lực để người dân đổi mới tư duy sản xuất. Trên địa bàn Hải Phòng xuất hiện ngày càng đa dạng những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tại trang trại hoa lan của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Châu Giang (xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên) được đầu tư hệ thống nhà vòm, máy lạnh, quạt hút, hệ thống tưới theo tiêu chuẩn Israel. Trên diện tích 6ha, trang trại luôn đảm bảo nền nhiệt độ ban ngày từ 23-28 độ, ban đêm 16-18 độ. Hệ thống máy lạnh làm mát về mùa hè và máy sưới ấm về mùa Đông.

Mạnh tay đầu tư công nghệ cao đã giúp cho trang trại nâng cao chất lượng sản phẩm hoa lan được khách hàng tin tưởng, đánh giá cao. Hiện trang trại cung cấp cả lan giống và hoa lan thương phẩm. Sản phẩm hoa lan của Công ty đã có mặt ở các thị thị trường từ miền Bắc tới miền Trung.

1-trang-trai-hoa-lan-01-1726622395.jpg
Trang trại hoa lan của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Châu Giang. (Ảnh Trọng Đạt)

Theo anh Trịnh Anh Tuấn - Phụ trách kỹ thuật, lan hồ điệp hiện nay nhu cầu thị trường còn rất lớn, Việt Nam mới cung cấp được cho thị trường từ 20-30%, còn lại toàn bộ vẫn phải nhập từ Trung Quốc, Đài Loan về. Chính vì vậy, việc phát triển loại cây này, nếu chú trọng đến việc trồng hoa 4.0, được hỗ trợ của Chính phủ, của các sở, ngành sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người nông dân. Hiện sản phẩm hoa lan của trang trại chủ yếu bán sỉ và không đủ cung cấp cho thị trường.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hóa cũng đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Tại trang trại của anh Nguyễn Quang Vình (xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) đang nuôi 20.000 gà đẻ trứng thương phẩm áp dụng công nghệ tự động hóa. Công nghệ kỹ thuật số điều khiển trên hệ thống cảm biến khí hậu để chăm sóc đàn gà nuôi, cho năng suất, chất lượng cao, bảo vệ môi trường, chăn nuôi hiệu quả, bền vững.

Xung quanh chuồng được xây kín kiên cố, đảm bảo ấm ấp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, có hệ thống chiếu sáng, hệ thống cung cấp nước, thức ăn tự động… Đầu năm 2023, được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, gia đình anh Vình đã tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ số trong sản xuất và giám sát môi trường nuôi dưỡng, quản lý sức khỏe vật nuôi.

Tại đây, gia đình anh Vình được tham gia đào tạo tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà sinh sản theo VietGAHP, hướng dẫn kỹ thuật vận hành hệ thống IOT cả về lý thuyết và thực hành.

trai-ga-1-1726622437.jpg
Trang trại nuôi gà đẻ trứng của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Duy Nhất (xã Toàn Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng) được ứng dụng công nghệ tự động hóa. (Ảnh Trọng Đạt)

Lĩnh vực thủy sản của Hải Phòng tập trung các đối tượng chủ lực ứng dụng công nghệ cao như nuôi theo VietGAP, ứng dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ sông trong ao. Một số mô hình điển hình đạt kết quả cao trong đó nổi bật là nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn theo VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt năng suất 26,6 tấn/ha, lợi nhuận 820 triệu đồng/ha.

Trang trại nuôi tôm của Công ty TNHH Khoa Thành ở quận Dương Kinh (Hải Phòng) là một điển hình cho ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm. Ngoài việc sử dụng bạt lót hồ nuôi tôm cá bằng HDPE thi công ty đã xây dựng hệ thống nhà bạt cho trang trại. Hệ thống nhà bạt đã che phủ hoàn toàn các ao nuôi tôm.

Theo ông Nguyễn Văn Khỏe - Giám đốc Công ty cho biết, từ khi chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao đã giúp trang trại tăng mật độ nuôi gấp 3 lần. Những rủi ro về dịch bệnh cũng được hạn chế nhiều. Đặc biệt, nhờ hệ thống nhà bạt, mái che đã giúp trang trại chủ động kế hoạch nuôi, kiểm soát môi trường nuôi đảm bảo an toàn sinh học và không gây ô nhiễm môi trường.

trai-tom-cong-nghe-cao-1-1726622465.jpg
Trang trại nuôi tôm của Công ty TNHH Khoa Thành ở quận Dương Kinh (Hải Phòng) là một điển hình cho ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm. (Ảnh Trọng Đạt)

Định hướng phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2030 của Hải Phòng là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, công nghệ cao, an toàn về sinh thái, đạt hiệu quả cao và tạo ra giá trị lớn, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, bảo vệ môi trường, xây dựng chuỗi giá trị từ đầu vào sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm...

Thành phố Hải Phòng có kế hoạch, đến năm 2030, tổng diện tích canh tác hữu cơ của thành phố đạt 980ha, chiếm 2,6% tổng diện tích đất trồng trọt và giá trị sản phẩm trồng trọt hữu cơ gấp 1,5 - 1,8 lần sản xuất phi hữu cơ. Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ thực sự đi vào cuộc sống, cần phải có thời gian và rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các cấp chính quyền cũng như sự chung tay của toàn dân./.

Trọng Đạt