Tiên phong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng kỳ vọng xuất khẩu nông sản trên 600 triệu USD

Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 50% nông sản được tiêu thụ qua chuỗi ổn định, trong đó phần lớn sản phẩm được sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, với tham vọng mang lại kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 600 triệu USD.
nong-nghiep-huu-co-lam-dong-01-1715443257.jpg
Lâm Đồng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. (Ảnh minh họa)

Chuyển đổi thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Để phát huy có hiệu quả thế mạnh của nông sản hữu cơ cũng như nâng cao sức cạnh tranh, cùng với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sau hơn 15 năm nghiên cứu và phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp thuận tự nhiên theo mô hình biển-vườn-ao-chuồng-ruộng-rừng, Kỹ sư công nghệ thông tin Bùi Ngọc Châu đã gây dựng được trang trại Xứ Tiên rộng hơn 2ha ở xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), trở thành điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn và cả nước.

Ngoài sản xuất vườn rau củ quả, ao cá, vườn cà phê, vườn trà, khu trồng cây dược liệu, chăn nuôi gà đồi, vườn ươm cây giống... trang trại còn sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ, phế thực phẩm như đầu, vây, ruột cá từ biển để sản xuất tinh chất đạm, phân bón vi sinh chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ.

nong-nghiep-huu-co-lam-dong-02-1715443305.jpg
Mô hình sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại Lâm Đồng. (Ảnh minh họa)

Theo Kỹ sư Bùi Ngọc Châu, để sản xuất đạt hiệu quả cao nhất, trang trại còn chú trọng phát triển phần mềm quản lý điều hành bao gồm đầy đủ các chức năng từ mua hàng, sản xuất, đóng gói đến bán hàng, quản trị khách hàng và giao hàng. Nhờ đó, mọi công đoạn sản xuất, kinh doanh đều được thống kê chính xác, theo dõi và dự báo kịp thời.

“Hiện trang trại đang đi sâu vào mô hình vườn – ao – chuồng ứng dụng công nghệ cao nên đa số người nông dân rất dễ hiểu. Chúng tôi cũng đưa hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ vi sinh, công nghệ nhiệt, công nghệ cơ khí vào trong sản xuất, giúp mang lại tính hiệu quả và độ chính xác cao. Giúp nông dân tăng được năng suất, tăng chất lượng và ổn định được giá thành trong sản xuất”, Kỹ sư Bùi Ngọc Châu chia sẻ.

Không chỉ trang trại Xứ Tiên, đến nay Lâm Đồng đã phát triển hơn 170 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ được cấp chứng nhận lên đến trên 1.580 ha. Toàn tỉnh cũng đã có 90 HTX, trang trại ứng dụng công nghệ số vào canh tác nông nghiệp, xây dựng được 182 chuỗi liên kết với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp, HTX và gần 17.000 hộ nông dân... Qua đó, phát huy tối đa lợi thế, đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, có thương hiệu và chất lượng cao. Hiện nhiều trang trại sản xuất rau củ quả hữu cơ ở Lâm Đồng cho doanh thu từ 5 đến 8 tỷ đồng/ha/năm, cá biệt có mô hình sản xuất hoa cao cấp đạt 24 tỷ đồng/ha/năm.

nong-nghiep-huu-co-lam-dong-03-1715443739.jpg
Nhiều nông dân chuyển đổi qua trồng các loại rau, củ, quả hữu cơ cho thu nhập cao tại thành phố Bảo Lộc. (Ảnh minh họa)

Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tạo đột phá xuất khẩu nông sản

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, việc ứng dựng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có vai trò đặc biệt quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại. Vì vậy, Lâm Đồng đang nỗ lực xây dựng và giới thiệu các mô hình điểm, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân, HTX và doanh nghiệp nông nghiệp tại địa phương.

“Việc ứng dụng chuyển đổi số là xu thế mà bắt buộc phải triển khai. Quá trình này không thể đi chậm mà cần đi nhanh, đi tắt đón đầu trong ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin trong tất cả các khâu từ trồng, chăm sóc cũng như là sơ chế, chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc. Ứng dụng chuyển đổi đang số mang lại những kết quả nhất định, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển một cách bền vững”, ông Nguyễn Văn Châu nói.

nong-nghiep-huu-co-lam-dong-04-1715443637.jpg
Mô hình kinh tế nông nghiệp thuận tự nhiên tại trang trại Xứ Tiên. (Ảnh tư liệu)

Theo ông Đào Thanh Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tiềm năng và lợi thế của Lâm Đồng trong phát triển nông nghiệp hữu cơ còn rất lớn. Để tiếp tục khai thác có hiệu quả, tỉnh cần đặc biệt chú ý đưa công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào trong tất cả các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Có vậy sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Lâm Đồng mới ngày càng mang lại chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện khí hậu đất đai và diện tích đất nông nghiệp rất tốt, rất tiềm năng để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là các sản phẩm rau quả, với gần 1.600ha đã được chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong đó chuyển đổi số là một trong những công nghệ thông tin được ứng dụng và phát triển vào trong sản xuất nông nghiệp, mang lại rất nhiều hiệu quả. Đây là cơ hội để Lâm Đồng cung cấp sản phẩm chất lượng cao, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất cũng như người sử dụng”, ông Vân đánh giá.

Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 50% nông sản được tiêu thụ qua chuỗi ổn định, trong đó phần lớn sản phẩm được sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, với tham vọng mang lại kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 600 triệu USD. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã thành lập Tổ xây dựng và chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Phấn đấu có ít nhất 50% nông dân được tập huấn, đào tạo công nghệ số; 50% HTX và doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ./.

Bình Nguyên