Thanh Hóa:

Nâng chất cây ăn quả bằng khoa học kỹ thuật

Từ những vườn cây truyền thống, Thanh Hóa đang dần chuyển mình với những vườn cây ăn quả hiện đại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật cao. Sự thay đổi này không chỉ nâng cao năng suất mà còn tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.
nang-tam-cay-an-qua-1-1726977644.jpg
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, vườn ổi găng của anh Vũ Văn Út mang lại thu nhập gần 500 triệu/năm.

Trong những năm gần đây, để nâng cao giá trị nông sản, đặc biệt là các loại cây ăn quả, những người nông dân xứ Thanh đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trrong sản xuất. Qua đó, giúp giảm thiểu công chăm sóc, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Từ những thành công đấy, nhiều địa phương đã tận dụng tối đa tiềm năng đất đai, đầu tư vốn để mở rộng diện tích cây ăn quả có sản lượng và giá trị kinh tế cao, chống chịu tốt với mọi điều kiện thời tiết để thay thế cho các loại cây trồng truyền thống.

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 23.000 ha cây ăn quả các loại. Trong đó, có khoảng 17.000 ha cây đã được người dân triển khai phát triển theo mô hình tập trung. Hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung quy mô lớn, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tiêu biểu như vùng chuyên canh cam vinh ở huyện Như Xuân, ổi tứ quý ở huyện Thạch Thành, bưởi Luận Văn ở huyện Thường Xuân… Tại các vùng chuyên canh, cây ăn quả được chăm sóc đặc biệt từ khâu lai tạo, đốn tỉa đến kỹ thuật tưới nước theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhờ đó mà chất lượng hoa quả ở các vùng chuyên canh được nâng cao, được nhiều người tin dùng lựa chọn, sẵn sàng cạnh tranh với nông sản ngoại.

Ghi nhận thực tế tại huyện Thọ Xuân cho thấy, trước đây diện tích trồng nhãn chủ yếu là các cây lâu năm, dễ bị sâu bệnh và hiệu quả kinh tế không cao. Trước thực trạng này, Hội Làm vườn và Trang trại huyện đã triển khai mô hình cải tạo giống nhãn cũ bằng giống nhãn Miền Thiết có nguồn gốc từ Hưng Yên. Giống nhãn này có đặc điểm quả to, vỏ màu vàng sáng, vị ngọt đậm, chín muộn, và tránh được thời điểm nhãn đại trà nên giá bán cao hơn.

nang-tam-cay-an-qua-2-1726977787.jpg
Vải không hạt của Công ty Hồ Gươm sông Âm (Ngọc Lặc) xuất khẩu sang nước Anh.

Ông Đào Xuân Quý, xã Xuân Thiên huyện Thọ Xuân cho biết: “Trước đây chúng tôi trồng cây theo kiểu đại trà, không tập trung, nên năng suất không cao. Nhưng từ khi được vận động tuyên truyền, gia đình tôi đã quy hoạch lại vườn, chuyển sang trồng những cây ăn quả ngắn. Ngoài ra, tôi cũng vay mượn thêm để đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, giúp cây trồng ổn định và phát triển tốt hơn, giảm chi phí lao động”.

Không chỉ ở Thọ Xuân, mà hầu hết các địa phương trong tỉnh cũng mạnh dạn loại bỏ các cây trồng lâu năm kém hiệu quả sang trồng loại cây có khả năng chống chịu với sâu bệnh, ít công chăm sóc và rút ngắn thời gian thu hoạch. Như mô hình trang trại tổng hợp của anh Vũ Văn Út, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống với hơn 2ha ổi găng đã mang lại cho anh thu nhập từ 450 đến 500 triệu đồng/ năm.

Anh Vũ Văn Út chia sẻ: “Để cho vườn ổi đạt hiệu quả cao nhất, ngoài kỹ thuật chăm sóc, bón phân đúng thời vụ ra, còn đặc biệt chú ý đến quá trình phát triển của bộ rễ cây. Thông thường, khi cây bắt đầu ra bói phải cắt hết, để cho bộ rễ sinh trưởng mạnh mới cho ra quả. Ngoài ra, việc phát hiện sâu bệnh cho cây cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, để đầu tư công nghệ hiện đại vào trong sản xuất thì ban đầu cũng rất tốn kém, thế nhưng chỉ cần làm đúng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật thì chỉ một năm sẽ thu hồi lại được vốn”.

Cũng theo anh Út, để trồng được ổi sạch, không có thuốc trừ sâu, từ khi ra bói cần phải dùng túi bọc quả để tránh sâu bệnh và côn trùng cắn. Đồng thời giúp cho mẫu mã sản phẩm được đẹp hơn.

Trong những mô hình cây ăn quả thành công nhất tại Thanh Hóa đến thời điểm hiện tại thành công nhất chính là mô hình vải không hạt của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm-Sông Âm trồng tại Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã xuất khẩu sang nước Anh vào năm 2023. Mặc dù trong năm 2024, Công ty phải đối mặt với khó khăn khi toàn bộ số vải không ra quả, nhưng với những thành công của năm 2023 là bước tiến vững chắc để đưa nông sản Việt tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Từ những nỗ lực không ngừng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, ngành trồng cây ăn quả ở Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu đáng kể. Việc quy hoạch vùng chuyên canh kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo ra những thương hiệu nông sản nổi tiếng. Qua đó, từng bước đưa nông sản Xứ Thanh vươn tầm quốc tế./.

Hà Khải