Thanh Hóa: Mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo sản phẩm nông nghiệp an toàn, bền vững

Thời gian gần đây, sản xuất hữu cơ đang là hướng phát triển của nhiều địa phương, nhằm xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cũng đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân đẩy mạnh thực hiện, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ít gây tác động xấu đến môi trường.

Theo thống kê, tính đến năm 2022, tỉnh Thanh Hóa có 247.463 ha đất sản xuất nông nghiệp (đất trồng lúa 144.075 ha, đất trồng cây hàng năm khác 59.959 ha, đất trồng cây lâu năm 43.429 ha), có 646.890 ha rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp (rừng đặc dụng 82.123 ha; rừng phòng hộ 163.537 ha; rừng sản xuất 401.230 ha), có 19.000 ha nuôi trồng thủy sản và vùng lãnh hải rộng lớn với bờ biển dài 102 km, thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

thanh-hoa-1677120918.jpg
Sản xuất hữu cơ đang là hướng phát triển của nhiều địa phương, nhằm xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững. (Ảnh: TH Thanh Hóa)

Được biết, thời gian tới địa phương này sẽ đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với việc ưu tiên lựa chọn các vùng sản xuất đã có sản phẩm chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường để sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

Cụ thể, đối với vùng trồng trọt ưu tiên phát triển các vùng sản xuất đã có sản phẩm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP,... có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi phù hợp đối tượng cây trồng chủ lực, thực hiện chuyển đổi sang sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ và phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ.

Vùng chăn nuôi hữu cơ cũng được triển khai thông qua việc xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như: vùng chăn nuôi lợn, vùng chăn nuôi gia cầm (gà, vịt), vùng chăn nuôi trâu, bò.

Bên cạnh đó, với lợi thế của địa phương ven biển, tỉnh Thanh Hóa xác định xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ: diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 805 ha năm 2025 và khoảng 1.430 ha năm 2030; trong đó phát triển một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế: tôm nước lợ, ngao, cá tầm, cá hồi; các loài thủy sản bản địa (cá trắm, cá chép, rươi,…).

Đối với vùng sản xuất lâm nghiệp hữu cơ được chia thành lâm sản ngoài gỗ hữu cơ: phát triển các sản phẩm hữu cơ, như măng, nấm, rau rừng các loại (rau dớn, bò khai, rau ngót rừng, rêu núi…), các loại các loại củ, quả.... trên các diện tích rừng tre nứa, rừng hỗn giao gỗ và tre nứa,… Dược liệu: trồng và khoanh nuôi khai thác dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, như: ba kích, hà thủ ô đỏ, thảo quả, xá xị, sa nhân, giảo cổ lam, tam thất, một số loại sâm, quế ngọc,....

Bà Lê Thị Quyên, Giám đốc HTX sản xuất thương mại nông nghiệp sạch Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hoá cho biết: "Chúng tôi nhận thấy sản xuất Nông nghiệp hữu cơ an toàn hơn, cây trồng có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn và sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đấy".

Kế hoạch trong 2 năm tới tỉnh Thanh Hóa sẽ lựa chọn, xây dựng khoảng 40 mô hình điểm, thực hiện hỗ trợ áp dụng quy trình kỹ thuật chuyển đổi sang sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ và phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ, gồm: 15 mô hình hữu cơ, gồm: mô hình sản xuất lúa, mô hình trồng cây ăn quả, mô hình sản xuất rau, mô hình sản xuất dược liệu trồng,... 10 mô hình hữu cơ chăn nuôi vịt, mô hình chăn nuôi gà thịt, mô hình chăn nuôi lợn,... 10 mô hình hữu cơ nuôi tôm sú quảng canh, mô hình nuôi tôm sú xen ghép cá rô phi quảng canh, mô hình nuôi tôm sú quảng canh xen ghép cá đối, mô hình nuôi cá trắm, cá chép, mô hình kết hợp lúa - rươi, mô hình sản xuất lúa - cá luân phiên,...5 mô hình hữu cơ trồng tre lấy măng, mô hình trồng quế ngọc, mô hình trồng sa nhân tím,...

Tỉnh Thanh Hóa sẽ nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp với áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ sinh học, các tác nhân phòng trừ sinh học thay thế cho phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Xây dựng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm hữu cơ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao để chế biến sâu, tinh chế tạo ra sản phẩm hữu cơ có giá trị cao mang thương hiệu Thanh Hóa.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh thông qua các kênh thông tin, triển lãm, phiên chợ, hội chợ... Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, siêu thị thu mua, phân phối sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương trong tỉnh; đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đến các địa phương khác trong nước.

Từ nay đến năm 2025, Thanh Hoá phấn đấu có gần 200 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, từng bước làm thay đổi phương thức sản xuất và cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hình thức sản xuất có quy trình chặt chẽ, bảo đảm hệ sinh thái, loại bỏ việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu và các hóa chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi. Với quy chuẩn nghiêm ngặt này, các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đã góp phần hạn chế thoái hóa đất, tăng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích và góp phần bảo vệ môi trường địa phương.
Ánh Dương (t/h)